18/03/2013 7:38 AM
Sai phạm khi thực hiện quy hoạch chủ yếu do người dân phát hiện.

“Thời gian qua, những sai phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch đều do người dân phát hiện. Chính quyền địa phương chưa chủ động phát hiện để kịp thời xử lý, khắc phục” - ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QHKT TP.HCM, xác nhận. Để chấn chỉnh, Sở QHKT đang dự thảo đề án thành lập Phòng Quản lý sau quy hoạch.

. Lâu nay TP phải giải quyết nhiều hệ lụy từ những sai phạm về quy hoạch trong quá trình đầu tư xây dựng của nhà đầu tư (như dự án “treo”, thiếu kết nối hạ tầng, xây sai thiết kế). Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Thanh Toàn: Công tác quản lý sau quy hoạch từ trước tới nay còn yếu kém. Cấp quận, huyện có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát các dự án phát triển nhà ở. Những vấn đề phát sinh như chủ đầu tư chậm thực hiện dự án hoặc có sai phạm thì quận, huyện phải biết. Điều này đã được quy định rõ trong quy chế giám sát đầu tư của UBND TP nhưng lâu nay chưa được địa phương thực hiện chặt chẽ.

Xin nói thêm là quy chế trên chủ yếu nhắm vào các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Còn việc kiểm tra những dự án có vốn ngoài ngân sách cũng chưa được chú trọng đúng mức do nhiều địa phương thiếu lực lượng và cả trình độ chuyên môn. Những sai phạm của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án (xem bài “Hàng loạt dự án xà xẻo đất công viên” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 7-3) phần lớn đều do người dân phát hiện.

Chung cư KimHong, 306 Vườn Lài, quận Tân Phú có đường nội bộ và chỗ đậu xe phía trước sai quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa xây dựng công viên cây xanh và nhà trẻ theo quy hoạch đã duyệt. Ảnh: V.HOA

. Hiện nay, đâu là những điểm “nóng” về quy hoạch và quản lý sau quy hoạch?

+ Tại những quận, huyện vùng ven hoặc mới thành lập sau này (như 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè) có những khu vực chưa kiểm soát được đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Lý do là nhiều dự án được thực hiện trước khi có quy hoạch phân khu 1/2000. Có những dự án kế cạnh nhau nhưng khi mở hàng rào ra thì cốt nền không đồng bộ, không đấu nối hạ tầng được.

Sau khi thành lập, bộ phận chuyên trách về quản lý sau quy hoạch sẽ mời các chủ đầu tư liên quan cùng ngồi lại giải quyết vấn đề trên. Yêu cầu đặt ra là các dự án đã xây dựng phải đấu nối hạ tầng được với nhau. Sau này, các đồ án được thẩm định phải đảm bảo yếu tố đồng bộ, liên tục, không tạo độ vênh (về không gian, về hạ tầng) với các dự án hiện hữu, đặc biệt là phải đảm bảo hạ tầng xã hội.

. Chức năng của Phòng Quản lý sau quy hoạch? Khi đã có bộ phận này, liệu đô thị TP sẽ hết lộn xộn?

+ Mảng quản lý sau quy hoạch sẽ thực hiện các nhiệm vụ: Công bố công khai quy hoạch; cắm mốc giới quy hoạch; kiểm tra, rà soát quy hoạch để điều chỉnh nếu cần thiết; kiểm tra các dự án quy hoạch có tuân thủ quy hoạch cấp trên hay không.

Hiện nay, Sở QHKT đang tập trung nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị toàn TP… Sau đó, chọn một số điểm làm quy chế riêng của từng khu vực; lập thiết kế đô thị dọc những trục đường chính hoặc những khu vực trung tâm đặc thù tùy theo quận, huyện. Làm được những công việc này thì không gian kiến trúc của TP sẽ đẹp hơn.

. Xin cảm ơn ông.

TViệt Hoa (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.