Sau nhiều năm bế tắc trong việc xử lý “cục nợ” dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện (BV) Đa khoa quy mô cấp vùng 700 giường dang dở hàng chục năm qua, tỉnh Nam Định đã và đang tìm “lối thoát” mới cho dự án “tai tiếng” này.

HĐND tỉnh Nam Định khóa 18 mới đây công bố nghị quyết số 37/NQ-HĐND (kỳ họp thứ 15) về việc chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng BV Đa khoa tỉnh Nam Định (trên cơ sở điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng BV Đa khoa quy mô 700 giường cũ).

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định có Tờ trình về việc trên.

Công trình BV ở Nam Định bỏ hoang đã 13 năm.

Theo nội dung nghị quyết chấp thuận, dự án Đầu tư xây dựng BV Đa khoa tỉnh Nam Định có mục tiêu tạo lập cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ y tế hoàn chỉnh, hiện đại và chất lượng cao; tạo điều kiện thuận lợi cho BV Đa khoa tỉnh hiện hữu (đang nằm trong nội thành TP Nam Định-PV) chuyển sang hoạt động, phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân tỉnh Nam Định và vùng lân cận. Quy mô đầu tư 700 giường bệnh với các khoa, phòng phù hợp với BV đa khoa cấp tỉnh.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng (làm tròn số-PV). Trong đó, phần giá trị đã phê duyệt quyết toán (phần dự án cũ đã đầu tư) là hơn 271 tỷ đồng; phần giá trị thực hiện các hạng mục còn lại là hơn 1.196 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 262 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời hạn hoàn thành dự án là năm 2025.

Công trình bỏ hoang quá lâu gây quá nhiều lãng phí

Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng BV Đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định cũ do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, là dự án xây dựng BV quy mô cấp vùng, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân cả vùng nam Đồng bằng Sông Hồng; có tổng vốn đầu tư ban đầu là 598,5 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 850 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Dự án đã được khởi công xây dựng từ năm 2007 (13 năm trước), trên diện tích gần 10 ha, tại phường Lộc Hạ, TP Nam Định, ven quốc lộ 10. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án bị xếp vào diện “tai tiếng”, gây hậu quả lãng phí nhất ở tỉnh Nam Định.

Theo đó, theo kết quả thanh tra, ở giai đoạn đầu dự án, dù được ưu tiên ứng trước lượng kinh phí lớn, lên tới 124,8 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhưng một trong những nhà thầu là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đã “ỳ ra”, chỉ thi công một khối lượng nhỏ so với giá trị tiền đa ứng, rồi mang tiền ứng được đi làm việc khác. Đến những năm sau, dự án bị Trung ương ngưng cấp vốn vì không nằm trong danh mục đầu tư công giai đoạn 2017-2020, trong khi ngân sách tỉnh không “kham” nổi. Vì nhiều lý do trên, dự án lâm cảnh dở dang, bỏ hoang, lãng phí 13 năm qua.

Ngày 10/7 vừa qua, giải trình sự việc tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nam Định khóa 18, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã xin chủ trương chuyển hướng đầu tư, từ xây dựng BV cấp vùng sang đầu tư xây dựng BV Đa khoa tỉnh, sau đó sẽ chuyển BV Đa khoa tỉnh cũ nằm trong nội thành TP Nam Định ra hoạt động tại đây.

BV Đa khoa tỉnh Nam Định hiện nằm trong nội thành TP Nam Định

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Nghị, việc này mất rất nhiều thời gian, vì phải quyết toán giá trị đã đầu tư trước đây, phải lập dự án mới. “Đây là dự án đầu tư thuộc nhóm A, thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư không dưới 2 năm. Hiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án vẫn đang phải nằm chờ ở Bộ Xây dựng để xin phê duyệt”, ông Nghị cho hay tại thời điểm giải trình và cho biết tỉnh sẽ cố gắng để có thể khởi công dự án trong năm 2020 này.

Chưa rõ Nam Định sẽ lấy nguồn nào để có gần 1000 tỷ đồng (phần vốn thuộc trách nhiệm của tỉnh, tương đương 1/5 số thu ngân sách một năm gần đây của tỉnh) để “đổ” vào dự án mới. Tuy nhiên, có nhiều thông tin cho hay tỉnh đang “trông” vào một trong những nguồn là thu từ khu đất nơi BV Đa khoa tỉnh cũ đang đứng chân, nằm trong nội thành TP Nam Định.

Duy Hưng (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.