Nhà ông Tuyền bị lún nứt nghiêm trọng sau khi hàng xóm xây nhà ba tầng kế bên
Năm lần tạm đình chỉ vẫn như không
Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, ông Tuyền cho biết, việc xây dựng của nhà ông Thạch (tại khu giãn dân xã Yên Trị) bắt đầu từ tháng 4/2019. Ngay từ khi công trình này ép cọc móng, ông Tuyền đã thấy nhà mình bị rung lắc mạnh và nứt tường, nên đã yêu cầu ông Thạch tạm dừng thi công để khắc phục sự cố, nhưng không nhận được thiện chí. Tiếp tục thi công, ông Thạch bị cho là còn để phần mái đè lên tường nhà ông Tuyền khiến tường rạn nứt nghiêm trọng hơn.
Trước sự việc trên, ông Tuyền đã có đơn đề nghị UBND xã Yên Trị can thiệp giải quyết. Ngày 08/5/2019, đại diện UBND xã đã xuống hiện trường xác minh, lập biên bản ghi nhận tình trạng nhà ông Tuyền bị lún nứt.
Biên bản họp hòa giải tại UBND xã ngày 10/5/2019 cho thấy, ông Tuyền đã cảnh báo “nếu gia đình ông Thạch tiếp tục xây tiếp tầng 2 thì nhà tôi nguy cơ bị sập. Đề nghị các cấp xem xét, giải quyết đảm bảo an toàn cho gia đình tôi”.
Ngoài ra, ông Tuyền còn đề nghị khi ông Thạch xây lên tầng 2 thì phần tiếp giáp với nhà mình không đổ mái bằng (chỉ lợp tôn) để hạn chế gây lún nứt. Trong khi đó, gia đình ông Thạch chỉ chấp nhận hỗ trợ hàng xóm 20 triệu. Do hòa giải không thành nên UBND xã yêu cầu hai gia đình giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không được xây dựng...
Dù có yêu cầu “giữ nguyên hiện trạng” để chờ giải quyết dứt điểm tranh chấp nhưng ông Thạch vẫn tiếp tục cho thi công. Trước sự việc này, Công an xã Yên Trị đã liên tục lập 5 biên bản tạm đình chỉ thi công. Tuy nhiên, việc lập biên bản này dường như vẫn như không, vì đến nay, công trình nhà ông Thạch đã hoàn tất 3 tầng (1 tầng tum) và đã hoàn thiện gần xong.
Trong khi đó, ngôi nhà của gia đình ông Tuyền có dấu hiệu lún nứt ngày càng nghiêm trọng. Xung quanh cổ trần đều xuất hiện vết nứt rộng cả cm, nước mưa chảy tràn cả vào trong nhà. Mái ô văng phía sau xệ hẳn xuống, nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Ông Tuyền kể: “Trời nắng thì đỡ chứ khi trời mưa thì trong nhà nước chảy không khác gì ngoài trời. Gia đình tôi luôn lo lắng, sợ hãi như ở trong cái bẫy, không biết tường sập, nhà đổ lúc nào”.
Nói về nguyên nhân gây ra tình trạng trên, ông Tuyền cho rằng: “Nền đất ở đây rất yếu, công trình nhà ông Thạch cao 3-4 tầng nhưng chỉ gia cố móng sơ sài nên xảy ra hiện tượng lún khiến ngôi nhà ngày càng ngả sang phía nhà tôi. Do công trình xây dựng này đè lên mái nhà tôi, dựa vào tường nhà tôi nên khi bị lún nghiêng đã kéo bức tường nhà tôi xuống, gây nứt toàn bộ cổ trần. Tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn vì nhà ông Thạch hiện vẫn chưa hết lún. Nhà tôi chỉ còn cách đập đi để xây mới chứ không thể sửa chữa, vá víu vì kết cấu chính đã bị hư hỏng”.
Vi phạm quy định nào?
Cho rằng ông Thạch đã được cảnh báo trước về việc gây lún nứt này nhưng vẫn cố tình xây nhà “không phép” đè lên tường hàng xóm, ông Tuyền còn gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an vì cho rằng vụ việc mang dấu hiệu hình sự. Theo ông Tuyền, đó là hành vi cố ý hủy hoại tài sản, đe dọa sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người khác.
Tuy nhiên, khi trả lời ông Tuyền về tình tiết “xây dựng không phép” của ông Thạch, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ý Yên cho rằng, “theo quy định tại điểm k, khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng 2014 thì công trình nhà ông Thạch được miễn giấy phép xây dựng”.
Không đồng ý với trả lời trên đây, một số luật sư cho rằng, “điểm k, khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng 2014 quy định rõ: Công trình được miễn phép xây dựng là “công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa”.
Nhưng trường hợp này, nhà ông Tuyền và ông Thạch ở khu giãn dân (do chính quyền địa phương lập quy hoạch và tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất) nên khu vực này đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết. Do Luật Xây dựng chỉ miễn giấy phép xây dựng với công trình xây dựng ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, nên nhà ông Thạch không thuộc trường hợp được miễn.
Ngoài ra, theo Điều 31 Luật Xây dựng, thì đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được phê duyệt sẽ là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng cho những chủ công trình ở đây.
Nói về vấn đề trên, ông Phạm Văn Triều, Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: “Việc xây dựng của ông Thạch, chính quyền cũng không biết vì không được ông này thông báo hay trình giấy tờ gì trước khi khởi công. Chỉ đến khi ông Tuyền có đơn phản ánh việc lún nứt thì xã mới vào cuộc giải quyết. UBND xã đã đình chỉ xây dựng để chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng ông Thạch không chấp hành. Khi công an xã xuống hiện trường thì việc thi công tạm dừng, nhưng khi cán bộ không có mặt thì việc xây dựng lại tái diễn”.
Nói về việc xây dựng của ông Thạch có vi phạm Luật Xây dựng, có thuộc trường hợp phải xin phép hay không, ông Triều cho hay: “Hiện UBND huyện đã giao Thanh tra huyện xem xét, giải quyết”.
Trở lại với ông Tuyền, ông đề nghị khi công trình nhà ông Thạch xây dựng không phép thì ngoài việc buộc bồi thường theo quy định, cơ quan chức năng cần lập biên bản, ra quyết định xử lý và có biện pháp cưỡng chế, phá bỏ phần xây dựng đè lên tường nhà mình.
-
Khởi công nhà máy hơn 2.000 tỷ đồng tại Nam Định
Ngày 18/11, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Kiến Hưng đã khởi công dự án Kỹ thuật bảo hộ an toàn Xingyu Việt Nam. Đây là dự án của Tập đoàn Xingyu (Singapore) với tổng vốn đầu tư gần 84,5 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng....
-
Lộ diện nhà đầu tư thực hiện cao tốc gần 20.000 tỷ đồng nối Nam Định – Thái Bình
Tập đoàn Geleximco, một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam đã chính thức trở thành nhà đầu tư của dự án cao tốc Nam Định - Thái Bình với tổng mức đầu tư 19.784 tỷ đồng.
-
Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khu công nghiệp có quy mô 21.600 lao động
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Trung Thành. Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng Nam Định triển khai với quy mô 20...