Giảm giá khởi điểm
UBND tỉnh Quảng Ngãi từng phê duyệt mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất quá cao, không được thị trường chấp nhận nên việc đấu giá đã không thành công. Sau đó, tỉnh này đã phê duyệt lại giá khởi điểm theo hướng điều chỉnh giảm thì ngay lập tức có khách hàng trúng đấu giá đất.
Ngày 20/5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 483/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 13 lô đất đoạn từ đường sắt Bắc Nam đến đường Hoàng Văn Thụ thuộc dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang-Cầu Mới, thành phố Quảng Ngãi.
Theo đó, 13 lô đất với tổng diện tích 1.560 m2 đã được đưa ra đấu giá thành công với tổng trị giá khoảng 25 tỉ đồng.
Trước đó, 13 lô đất này được phê duyệt với tổng giá khởi điểm khoảng hơn 19,7 tỉ đồng. Như vậy, so với tổng giá trúng đấu giá, mức giá chênh lệch tăng so với giá khởi điểm khoảng hơn 5 tỉ đồng.
Để tổ chức đấu giá thành công 13 lô đất ở này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã phải xác định lại mức giá khởi điểm đối với 76 lô đất đoạn từ đường sắt Bắc Nam đến đường Hoàng Văn Thụ thuộc dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang-Cầu Mới, thành phố Quảng Ngãi.
Theo đó, mức giá khởi điểm của 13 lô đất này đã được điều chỉnh giảm từ khoảng 1,975 tỉ đồng xuống còn 1,516 tỉ đồng/lô đất/120 m2.
Việc phải xác định lại giá khởi điểm đối với 116 lô đất nêu trên là do Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá theo quy định nhưng không thành công.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong thời gian qua, chất lượng các sản phẩm của đơn vị tư vấn thẩm định giá được Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thuê còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn diễn biến thị trường đất đai trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, kết quả định giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất của đơn vị tư vấn không được thị trường chấp nhận và đấu giá không thành công, như trường hợp 116 lô đất và 06 lô đất thuộc dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang-Cầu Mới.
Tăng gần 400 lần so với giá khởi điểm
Trong khi tại Quảng Ngãi khách hàng không mặn mà vì giá khởi điểm quá cao thì tại Gia Lai, một cuộc đấu giá 'vô tiền khoáng hậu' đã xảy ra với kết quả giá đất trúng đấu tăng gần 400% so với mức giá khởi điểm
Cụ thể, vào cuối tháng 3/2022, dư luận cả nước xôn xao về cuộc đấu giá đất tăng gần 400% so với giá khởi điểm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo đó, chỉ trong hai ngày 25 và 26/3/2022, tỉnh Gia Lai đấu giá thành 104 lô đất với tổng trị giá hơn 101 tỉ đồng, tỷ lệ tăng so với giá khởi điểm là 365% (tổng giá khởi điểm là 21,7 tỉ đồng)
Trong đó, lô trúng cao nhất là 3 tỉ 120 triệu đồng, có diện tích 209m2 và giá khởi điểm 301 triệu đồng. Lô trúng thấp nhất 760 triệu đồng, có diện tích 132m2 và giá khởi điểm 169 triệu đồng.
Cuộc đấu giá đất nêu trên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh khi có hơn 10.000 hồ sơ tham gia.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai phát đi Công văn số 866/UBND-KTTH về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tham mưu việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Bên cạnh đó đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa tài sản ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá và tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá.
Tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài sản và thẩm định giá.
Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện điều chỉnh tăng hệ số để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Việc xác định giá khởi điểm như thế nào là hợp lý Ảnh: Lê Phước Bình
Giá khởi điểm như thế nào là hợp lý?
Mới đây, ngày 16/5/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát đi Công văn số 2581/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất chi tiết, để tổ chức theo dõi, kiểm tra.
Trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá như năng lực về tài chính, kỹ thuật, ký quỹ, nguồn vốn của chủ đầu tư, thời gian đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nếu trúng đấu giá.
Đặc biệt, Bộ cũng yêu cầu làm tốt công tác xác định giá khởi điểm bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường.
Chưa hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc trong các cuộc đấu giá.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 3849/BTC-TCT về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng bất động sản làm căn cứ để tham mưu cấp có thẩm quyền xác định hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm sát với giá thực tế giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế cung cấp cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai thuế trong trường hợp có phát sinh biến động về giá cao hơn giá UBND tỉnh đã ban hành (kể cả hệ số điều chỉnh giá đất) cho các cơ quan liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bảng giá đất mới cũng như hệ số điều chỉnh kịp thời theo quy định pháp luật về đất đai. |
-
Hàng loạt nhà đầu tư tại Diễn Châu, Nghệ An bỏ cọc đấu giá đất
UBND huyện Diễn Châu vừa có quyết định về việc huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ.
-
Hà Nội yêu cầu công khai danh sách cá nhân bỏ cọc đấu giá đất
UBND TP. Hà Nội yêu cầu các huyện công khai danh sách các cá nhân trả giá cao hơn thị trường để "thổi giá" đất nhưng không nộp tiền. Những người này có thể bị hạn chế tham gia đấu giá.
-
Bộ Xây dựng: Có hiện tượng "cò” thông đồng bỏ cọc đấu giá đất
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những lợi ích đạt được thì việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Trong đó có tình trạng “cò đấu giá” thông đồng, tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường....
-
Đất đấu giá Phú Thọ đạt 70 triệu đồng/m2
Kết thúc phiên đấu giá đất huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chiều ngày 10/9, lô trúng cao nhất đạt gần 70 triệu đồng/m2, cao hơn gần 10 triệu đồng so với mức đỉnh cũ.