CafeLand - Việc mua nhà “online” đã diễn ra từ lâu tại Mỹ và các nước phát triển trên thế giới. Đây được xem là xu hướng không thể thiếu trong giai đoạn dịch bệnh và công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là liệu hình thức giao dịch này có thể thực hiện tại thị trường Việt Nam?

Nhìn ra thế giới

Hiện nay, khách hàng ở nước ngoài muốn mua nhà tại Mỹ không cần phải qua đó, vì mua nhà online được pháp luật bảo vệ và công nghệ thông tin góp phần không nhỏ vào hình thức giao dịch này. Ngoài ra, dịch bệnh không có điểm dừng như hiện nay đang gây trở ngại cho việc đi lại, các thủ tục cách ly… Điều này đã hạn chế rất nhiều những giao dịch trực tiếp kiểu truyền thống.

Tại Mỹ, việc mua nhà online đã có từ lâu. Chính phủ nước này mở cửa cho tất cả khách hàng trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư Việt Nam. Gần đây có thông tin hòn đảo Horse ở bờ biển phía tây nam Ireland được bán cho một khách hàng giàu có ở châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra nghiêm trọng tại châu lục này trong nửa đầu năm nay. Lệnh phong toả đi lại và hạn chế tham quan dẫn đến việc giao dịch mua bán hòn đảo trị giá 5,5 triệu euro này được trao đổi qua ứng dụng WhatsApp bằng các hình ảnh và video.

Việc mua nhà online đem lại những hiệu quả kinh tế đáng kể, giúp cho các bên tham gia vào thương vụ tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc đi lại. Tuy nhiên, việc mua bán nhà online lại khá mới mẻ tại Việt Nam.

Mua nhà “online” có thực hiện được tại Việt Nam?

Nhìn lại Việt Nam

Theo thống kê của CBRE, có tổng cộng 1.644 căn hộ được chào bán trong quý 2-2020, và số lượng căn hộ giao dịch trong quý này giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chịu ảnh hưởng bởi tác động kép: khan hiếm nguồn cung và dịch bệnh Covid-19.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng lần thứ hai đang diễn ra phức tạp tại Việt Nam. Một số thành phố đang trong giai đoạn phong toả để tránh dịch bệnh lây lan. Tâm lý ngại tiếp xúc của người mua nhà càng khiến cho việc giao dịch bất động sản khó khăn hơn.

Trong khi đó, việc số hoá của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn triển khai. Các giải pháp về công nghệ: hình ảnh 3D, video, thực tế ảo, tour xem nhà trực tuyến đã giải quyết được một phần của việc “bán nhà online”. Đó là cung cấp thông tin ban đầu một cách minh bạch.

Tuy nhiên, lượng căn hộ bán được không đáng kể trong hai quý đầu năm 2020 cho thấy hiệu quả của việc số hoá thị trường bất động sản chưa cao vì các lý do sau đây:

1. Tâm lý người Việt Nam muốn đi xem nhà trực tiếp: người Việt Nam quan niệm bất động sản là tài sản quan trọng nhất trong đời, nên việc mua một tài sản lớn hay nhỏ đều là những quyết định cần xem xét kỹ lưỡng. Mặc dù đã có những thông tin chi tiết trên website của các đơn vị phát triển, nhưng người mua nhà vẫn có tâm lý muốn gặp trực tiếp nhân viên tư vấn dự án, muốn đi xem nhà mẫu, xem tiến độ dự án đang thi công và muốn cảm nhận thực tế về tài sản mà mình muốn mua.

Hiện nay, thông tin trên thị trường bất động sản Việt Nam không thống nhất, khiến người dân vẫn phải đi tìm hiểu qua nhiều đại lý và nhiều nhân viên tư vấn khác nhau. Người mua muốn xác minh thông tin nào là đúng, thông tin nào là sai về căn nhà mà mình muốn mua nhằm có được giá tốt nhất.

2. Pháp lý dự án là điều khách hàng trăn trở: không nhiều đơn vị phát triển nhà công bố minh bạch thông tin pháp lý của dự án trên trang web của họ. Phần lớn người mua nhà phải gặp trực tiếp các nhân viên tư vấn để được tư vấn về pháp lý.

3. Các loại hợp đồng, nhất là hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai, vẫn chưa được tất cả các đơn vị phát triển nhà sử dụng theo mẫu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Phần đông người mua nhà không biết mẫu hợp đồng nào được đăng ký bởi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, dẫn đến việc ký kết hợp đồng cũng cần gặp mặt trực tiếp nhân viên tư vấn dự án hay gặp mặt trực tiếp nhân viên phụ trách về hợp đồng của đơn vị phát triển nhà để người mua nhà được giải thích rõ nghĩa hơn các vấn đề được nêu trong hợp đồng.

4. Giao dịch bằng tiền mặt vẫn là thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Đa số các giao dịch bất động sản hiện nay được thực hiện bằng tiền mặt, nhất là bước đặt cọc. Người Việt có tâm lý “tiền trao, cháo múc”, lúc ký hợp đồng thì tiền đặt cọc cũng phải được thanh toán ngay lập tức.

Nhìn chung, vấn đề minh bạch thông tin của sản phẩm trên thị trường bất động sản Việt Nam qua đại dịch Covid-19 đã có một bước tiến rõ rệt nhờ việc số hoá của một số đơn vị phát triển nhà và một số đơn vị phân phối bất động sản. Đồng thời, một số thông tin quy hoạch của các thành phố lớn đã được số hoá, người dân chỉ cần tải ứng dụng trên điện thoại là có thể xem được quy hoạch của toàn thành phố.

Mua nhà “online” có thực hiện được tại Việt Nam?

Giải pháp nào cho xu hướng mua nhà online tại Việt Nam?

1. Đối với phân khúc “bất động sản hình thành trong tương lai”: các vấn đề về pháp lý dự án và giá bán phải được công bố rộng rãi. Hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai phải theo mẫu hợp đồng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã duyệt, không nên cho những mẫu hợp đồng mua bán chưa được cơ quan này thông qua lưu hành trên thị trường.

2. Đối với phân khúc “bất động sản đã ký kết hợp đồng mua bán chưa có giấy chứng nhận” và phân khúc “bất động sản đã có giấy chứng nhận”: các loại hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán công chứng cũng được thống nhất thành một mẫu hợp đồng chung. Các mẫu hợp đồng này cần được số hoá thành hợp đồng điện tử có sự quản lý của các cơ quan nhà nước. Các loại “giấy chứng nhận” hay còn gọi là “sổ hồng, sổ đỏ” cần được số hoá, lưu trữ bởi hệ thống thông tin quốc gia để người mua nhà không còn lo ngại việc sổ thật, sổ giả hay mất sổ.

3. Thanh toán mua nhà bằng chuyển khoản: việc thanh toán hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán đều phải thực hiện bằng chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng.

Để có thể thực hiện việc mua nhà online một cách chặt chẽ nhất, thông tin minh bạch và thống nhất có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước là điều thị trường cần hướng đến để củng cố niềm tin cho người mua nhà.

Duyên Nguyễn, CRS Hoa Kỳ (Giảng viên Học Viện EDUREAL)

  • Mô hình mua nhà online ở Mỹ - phần 2

    Mô hình mua nhà online ở Mỹ - phần 2

    CafeLand - Phần tiếp theo của việc “mua nhà online, ký hợp đồng online” là những bước làm chặt chẽ của chính phủ liên bang trong quy trình giao dịch mua bán bất động sản ở Mỹ. Hệ thống pháp lý của chính phủ liên bang bảo vệ quyền lợi của người mua nhà một cách tối đa, giúp họ có thể yên tâm giao dịch một tài sản giá trị lớn qua mạng. Bởi suy cho cùng, vấn đề quan trọng nằm ở niềm tin của người mua hàng.

Duyên Nguyễn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.