Thật ra, người nước ngoài cũng đã bỏ khá nhiều tiền vào thị trường địa ốc Mỹ. Trong năm tài chính tính đến hết tháng 3-2011, dân địa ốc quốc tế đã bỏ vào đây 82 tỉ đô la, tăng so với 66 tỉ đô la cùng kỳ năm trước. Trong tổng số giao dịch nhà ở tại Miami, ít nhất 5,5% là bán cho người nước ngoài. Con số này ở Phoenix là 4,3%.
Người nước ngoài ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong giao dịch địa ốc ở Nam Florida, Nam California, Arizona và một số thị trường khác bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng đóng băng. Dân Trung Quốc và Canada chiếm đa số người mua loại này, sau đó là người Mexico, Anh và Ấn Độ. Họ đang tận dụng giá nhà ở Mỹ đang giảm mạnh, dân Mỹ không chịu bỏ tiền ra mua nhà vì còn đợi giá giảm tiếp. Họ còn có lợi nhờ tỷ giá nghiêng về đồng tiền các nước này.
Loại visa thường trú nhờ mua nhà này sẽ tồn tại song song với loại visa thường trú nhờ đầu tư vào Mỹ đang có hiệu lực. Nhưng người nhận loại visa mua nhà (không tương đương với thẻ xanh) không được phép làm việc có thu nhập ở Mỹ trừ phi xin được giấy phép lao động theo con đường bình thường. Họ được mang theo vợ/chồng và con dưới 18 tuổi và nếu bán nhà đi thì không còn được phép sống ở Mỹ nữa. Dự thảo không đặt ra số lượng visa tối đa được cấp theo chương trình này.
Những người ủng hộ dự thảo cho rằng quy định này sẽ gia tăng số lượng người mua nhà từ nước ngoài từng bị rào cản visa ngáng chân. Dân địa ốc rất khoái dân mua nhà là người nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc vì họ trả bằng tiền mặt và trả ngay một lần. Ngay cả nhà đầu tư chứng khoán nổi tiếng Warren Buffett cũng từng ủng hộ ý tưởng tương tự vì ông cho rằng nó sẽ giúp giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường, kể cả thúc đẩy tính cạnh tranh của người Mỹ có nhu cầu mua nhà nhưng đang lưỡng lự.
Người hoài nghi thì cho rằng chính sách này chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gì bởi then chốt vẫn là tình trạng èo uột của nền kinh tế. Người Mỹ vẫn có nhu cầu nhà như mọi năm; chỉ có điều họ không ăn nên làm ra như trước nên không mua được. Giải quyết vấn đề kinh tế thì thị trường địa ốc sẽ được giải quyết theo.
Đáng chú ý là khi tin này được đăng trên tờ Wall Street Journal, đã có hàng trăm ý kiến của độc giả gửi về, phản đối chủ trương cấp visa mua nhà. Họ cho rằng nếu dự luật được thông qua, sẽ có một làn sóng người mua nhà từ Trung Quốc tràn sang để tận dụng cơ hội sống thường trú ở Mỹ. Giá nhà lúc đó sẽ bị đẩy lên cao bất thường, gây khó khăn cho người dân Mỹ có nhu cầu thật sự.