Trước hiện tượng “đại hạ giá” tại một số dự án bất động sản (BĐS), TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Đây mới chỉ là sự khởi đầu, từ nay đến cuối năm và sang đến cả năm 2012, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải hạ giá BĐS nếu muốn tồn tại.

Mua nhà hạ giá: Thời cơ để đầu tư?

Giảm giá bán BĐS để tăng nhiệt cho thị trường.

Hạ giá để tăng nhiệt!


Theo TS. Liêm, đây chỉ là một trong nhiều “chiêu thức” của doanh nghiệp để bán sản phẩm, cho nên các chủ đầu tư cần sớm đưa ra quyết định hạ giá bán khi mà nhà đầu tư còn cảm giác lạ lẫm và bị thu hút chứ để đến lúc các đại gia BĐS đồng khởi hạ giá thì lúc ấy muốn bán cũng không bán được. Việc doanh nghiệp giảm tới 30% giá sản phẩm có thể coi là mức hợp lý đảm bảo lợi ích của cả bên bán và bên mua.


Qua đó để thấy rằng, việc đại hạ giá của một số dự án BĐS thời gian gần đây chỉ là một “chiêu thức” mới của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mà thôi và chắc chắn nó sẽ được các doanh nghiệp sử dụng nhiều trong thời gian tới. Đặc biệt khi mà sức ép từ các khoản vay tín dụng từ các ngân hàng đến hạn trả thì dù bằng cách này hay cách khác họ sẽ buộc phải xuống giá hay tìm cách chuyển nhượng dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp,… Giá BĐS sẽ trở về giá trị thực và đây chính là cơ hội để những đối tượng vốn có nhu cầu mua nhà nhưng vì khả năng tài chính có hạn nên chưa thể tiếp cận các dự án nhà ở thương mại, ông Liêm nhấn mạnh.


Cùng chung quan điểm trên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng: “Cần phải thấy đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, theo đúng quy luật của thị trường. Trên thực tế, ngay cả khi bán với giá đã giảm đến 30%, tôi cho rằng các DN cũng chỉ là giảm lãi, chứ chưa đến mức lỗ. Mà cả một thời gian dài, DN đã kiếm lợi nhuận lớn trên thị trường BĐS, thì việc giảm lãi, thậm chí có bán hòa vốn một phần dự án cũng là việc bình thường, chấp nhận được”.


Chính sức ép thắt chặt tài chính và lãi suất cao trong suốt một thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp “yếu” không chịu nổi. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, khả năng đại hạ giá BĐS theo hiệu ứng dây chuyền sẽ không còn là lời cảnh báo. Đây là xu hướng tất yếu và là cơ sở để thị trường BĐS có thể chuyển mình theo hướng lành mạnh hơn, giá cả hợp lý hơn và người tham gia chuyên nghiệp hơn.


Nếu có tiền thì nên mua


Cách đây không lâu, khi các doanh nghiệp kinh doanh BĐS tung hàng loạt chiêu thức “khuyến mại” như giảm giá, tặng thêm diện tích sàn sử dụng,… nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, các nhà đầu tư đã nhìn nhận hiện tượng này như là một lẽ tất yếu và xem đây là “chuyện thường ở huyện”. Nhưng mới đây, khi có doanh nghiệp công bố giảm tới 30% giá bán sản phẩm BĐS thì lại có không ít nhà đầu tư lại rúng động, băn khoăn giữa chuyện có nên mua hay không những sản phẩm trên.


Xung quanh vấn đề này, có người cho rằng, việc mua hàng giảm giá này không đem lại nhiều lợi ích cho người mua. Những người này lý giải rằng: Nếu giá các sản phẩm được bán ở mức giá bình quân căn hộ 30 triệu đồng/m2. Ngay ban đầu khách hàng chấp nhận đóng 50% toàn bộ giá trị căn hộ thì sẽ được chủ đầu tư giảm giá 10%. Như vậy, giá bán căn hộ chỉ còn 27 triệu đồng/m2.


Nếu chấp nhận đóng 80% từ ban đầu, khách hàng được giảm giá 30%, giá bán căn hộ giảm còn 21 triệu đồng/m2. Còn chấp nhận đóng 95% giá trị căn hộ từ ban đầu, khách hàng được giảm giá 40% thì giá căn hộ sẽ còn 15 triệu đồng/m2.


Như vậy, tính ngược lại nếu khách hàng muốn được giảm giá mức nhiều nhất, họ sẽ nộp gần như hết tiền. Trong khi, tổng số tiền căn hộ phải trả đó mang gửi ngân hàng cũng nhận khoản lãi không kém so với ưu đãi mà chủ đầu tư đưa ra.


Tuy nhiên, với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính như thì đây lại là cơ hội đầu tư cho những khoản lợi nhuận trong tương lai.


Theo anh Nguyên – nhân viên một sàn giao dịch BĐS trên phố Trần Thái Tông thì nhu cầu nhà ở trong xã hội còn rất lớn, đặc biệt là các khu đô thị vốn đang bị ních chặt bởi các dự án nhà chung cư. Những khó khăn hiện tại của thị trường BĐS sẽ sớm qua đi khi mà đội quân đầu cơ “lướt sóng” – vốn được coi là thủ phạm đẩy giá BĐS lên quá cao bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.


Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Bá Uy – Chánh Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho rằng: Nếu chỉ tính riêng đến yếu tố trượt giá thì đây chính là thời điểm để đầu tư vào thị trường BĐS.

Theo Thanh Ngọc (PetroTimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.