Thị trường nhà ở và BĐS công nghiệp được đánh giá là tăng trưởng mạnh trong quý I/2021
Quý I/2021, mặc dù làn sóng Covid-19 lần thứ 3 ập đến cùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, nhưng các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) dường như có sức đề kháng tốt với các điều kiện khó khăn khách quan để tăng trưởng ngoạn mục.
Dồn dập báo lãi
Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã HoSE: VGC) vừa công bố doanh thu thuần trong quý I/2021 đạt 2.580 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 677 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2020. Sau khi trừ chi phí, VGC lãi 279,6 tỷ đồng, tăng 65% so với quý I/2020. Năm 2021, Viglacera đặt mục tiêu 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất. Như vậy, kết thúc quý I, Viglacera đã hoàn thành được gần 20% mục tiêu về doanh thu và gần 35% mục tiêu về lợi nhuận.
Trong quý I, Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi, mã UpCOM: SNZ) ghi nhận đạt 1.226 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,7% so với cùng kỳ; trong đó tăng mạnh nhất là doanh thu từ kinh doanh KCN đạt hơn 365 tỷ đồng, tăng 22,5% so với quý I/2020. Sonadezi lãi sau thuế gần 310 tỷ đồng tăng 14,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 4.770 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.011 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,6% và 20% so với thực hiện năm 2020.
Ở mảng kinh doanh BĐS, CTCP BĐS Thế Kỷ (Cen Land, mã HoSE: CRE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với doanh thu hợp nhất hơn 2.040 tỷ đồng, hoàn thành 40,8% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên mức 122,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần của Cen Land tăng 656,7%, lợi nhuận sau thuế tăng 190,2%.
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.954 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu của Đất Xanh, doanh thu từ bán căn hộ và đất nền chiếm hơn 73% (2.167 tỷ đồng); còn lại là doanh thu từ môi giới BĐS (733 tỷ đồng)… Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.736 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ chỉ đạt 364 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 712 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) báo lãi sau thuế lên tới 365 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận tăng một phần do sự đóng góp mua Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai.
Mới đây nhất, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL) cho biết, doanh thu thuần quý I/2021 ước tính 194,5 triệu USD, tăng 370% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu của công ty đến từ các dự án đã bàn giao trong quý. Lợi nhuận sau thuế quý I ước đạt 29,5 triệu USD, tương đương khoảng 679 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) cũng báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý đầu năm lần lượt khoảng 1.500 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. Trong đó, mảng BĐS ghi nhận phần còn lại của dự án Centrosa Garden với 950 tỷ đồng doanh thu.
Khởi sắc nhờ nguồn cầu cao
Một điểm đáng chú ý là, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến hầu hết các lĩnh vực khác, nhưng mảng BĐS hầu như ít chịu tác động. Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhu cầu tìm một căn nhà để sở hữu là rất cần thiết, bất kể có dịch hay không. Bên cạnh đó, trong quý I/2021, tiền từ thị trường chứng khoán được nhà đầu tư chốt lời chuyển sang đã khiến thị trường BĐS sôi động.
Ở mảng BĐS KCN, sự dịch chuyển rõ ràng của các nhà đầu tư nước ngoài qua việc thu hút FDI quý I/2021 tăng vốn đăng ký, nhu cầu sử dụng các KCN tăng mạnh, dẫn đến kết quả doanh thu của các doanh nghiệp này cũng tăng.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận BĐS công nghiệp Savills Việt Nam nhận định, nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các KCN gần các thành phố lớn leo thang. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp BĐS KCN tăng trưởng mạnh trong quý I/2021.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường BĐS năm 2021 được thúc đẩy nhờ một số yếu tố. Trước hết là việc các doanh nghiệp trên thị trường BĐS đã linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh, biết lựa theo tình hình dịch bệnh, áp dụng công nghệ vào bán hàng. Cùng với đó là một số chính sách pháp lý sửa đổi, bổ sung như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán với nhiều điểm mới “cởi mở” hơn, tạo động lực cho doanh nghiệp.
Chuyên gia Savills Việt Nam cũng cho rằng, năm 2021, doanh nghiệp BĐS có nhiều hoạt động kinh doanh khởi sắc, thậm chí bứt phá là có lý do. Quan trọng nhất là những vướng mắc về pháp lý liên quan tới BĐS đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai tiếp những dự án đã bị ách tắc, khơi thông nguồn cung.
-
Thị trường bất động sản các tỉnh diễn biến ra sao trong quý 1?
CafeLand - Sau một thời gian dài chậm phê duyệt phát triển các dự án bất động sản trên cả nước, thị trường bất động sản tại các tỉnh đều chứng kiến sự sụt giảm của các dự án và sản phẩm mới trong quý 1/2021.
-
Dân số già mở ra cơ hội cho dịch vụ nhà dưỡng lão
Dịch vụ nhà ở dưỡng lão đã phát triển ở nhiều quốc gia. Nhưng tại Việt Nam, loại hình dịch vụ này ít được nhắc đến. Mặc dù vậy, giới quan sát thị trường cho rằng với tốc độ dân số già của Việt Nam, loại hình nhà ở này sẽ phát triển trong thời g...
-
Doanh nghiệp đầu cơ, ôm đất, “tiếng kêu” về giá bất động sản ngày càng nhiều
Pháp lý không minh bạch và tình trạng đầu cơ đã khiến giá cả bất động sản không ngừng tăng, kể cả trong bối cảnh dịch tái phát nghiêm trọng.
-
Một số xu hướng mới của thị trường bất động sản cao cấp
Trong vài tháng qua, thị trường bất động sản cao cấp trên toàn cầu đã dần quay trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, các thay đổi từ nhu cầu của khách hàng, yêu cầu thích nghi với tình trạng bình thường mới và xu hướng số hóa sẽ mang lại những xu hướng mới cho...