01/02/2024 9:22 AM
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035.

Một góc Thường Xuân.

Theo đó, phạm vi lập chương trình phát triển đô thị gồm toàn bộ diện tích tự nhiên rộng khoảng 4.952,69ha của thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân.

Ranh giới cụ thể gồm: phía Đông giáp các xã Xuân Dương, Thọ Thanh; phía Tây giáp xã Vạn Xuân; phía Nam giáp xã Thọ Thanh, Xuân Cao; phía Bắc giáp các xã Ngọc Phụng, Lương Sơn.

Các khu vực phát triển đô thị gồm: Khu đô thị trung tâm thị trấn Thường Xuân hiện hữu mở rộng, chỉnh trang có chức năng khu đô thị trung tâm thị trấn. Phạm vi ranh giới nằm ở phía đông thị trấn Thường Xuân, trên tuyến đường Quốc lộ 47 đi qua. Quy mô diện tích khoảng 150ha;

Định hướng phát triển là các khối cao tầng tập trung chính tại khu vực trung tâm, hai bên trục đường chính là các cửa hàng buôn bán dạng lô phố định hình tuyến đô thị.

Khu đô thị mới Thường Xuân có phạm vi ranh giới nằm ở phía Tây thị trấn Thường Xuân. Phía Bắc tiếp giáp với khu phố Trung Chính, phía Nam tiếp giáp khu phố Xuân Quang, phía Đông là trung tâm thị trấn Thường Xuân hiện hữu.

Quy mô diện tích khoảng 100ha. Định hướng phát triển là bảo tồn mạch suối đổ từ núi xuống sông Chu nhằm giữ mạch thoát nước tự nhiên, cải tạo, khai thác thành công viên ven suối.

Khu vực gò đồi cao phát triển dạng công dưới tán rừng.

Khu du lịch nghỉ dưỡng có phạm vi ranh giới nằm trong vùng uốn lượn của sông Chu, nên 3 phía Đông, Tây, Bắc giáp với sông Chu. Phía Nam là khu vực đồi núi thuộc xã Xuân Cẩm cũ.

Quy mô diện tích khoảng 107,5ha.

Về định hướng phát triển, khu bán đảo riêng biệt, tựa lưng vào núi hướng mặt ra sông, vị trí thuận lợi tổ chức các loại hoạt động nghỉ dưỡng dạng resort cao cấp.

Cải tạo mở rộng mạch nước sẵn có lưu thông liên hoàn, tăng diện tích mặt nước cho các khu vực nội bộ tăng giá trị cảnh quan.

Khu văn hóa dân tộc Thái có phạm vi ranh giới nằm ở phía Nam đường tỉnh 519, ở giữa khu du lịch cộng đồng Bản Mạ - Tiến Sơn, khu nghỉ dưỡng vị trí Nam sông Chu và khu đô thị miền núi.

Quy mô diện tích khoảng 1,7ha.

Định hướng phát triển khai thác và phát huy thế mạnh các ngành nghề thủ công truyền thống, tổ chức trung tâm đào tạo nghề, trung tâm vừa là nơi học tập, đồng thời cũng là nơi quảng bá sản phẩm thủ công địa phương.

Trung tâm có thể kết hợp du lịch, cung cấp khu ở cho du khách phương xa đến trải nghiệm văn hóa địa phương.

Khu du lịch cộng đồng có phạm vi ranh giới là khu vực trải dài kết nối từ Tiến Sơn xuống Bản Mạ vắt qua sông Chu. Nằm ở phía Tây khu du lịch nghỉ dưỡng vị trí Nam sông Chu.

Quy mô diện tích khoảng 112,7ha.

Định hướng phát triển là gìn giữ, phát huy và đẩy mạnh nền văn hóa đặc trưng của người Thái như các món ăn, nếp nhà sàn... Tổ chức các hoạt động về tìm hiểu văn hóa địphương, hoạt động trải nghiệm nông nghiệp cho du khách... phát triển du lịch cộng đồng.

Tổ chức bãi đỗ, các hình thức thương mại như cafe, quán ăn, khu bán hàng lưu niệm... ven khu vực đường chính. Xây dựng thêm 1 cầu cảnh quan kết nối hai khu vực Tiến Sơn và Bản Mạ.

Tổ chức công viên dọc sông dạng công viên tự nhiên, khu vực này là quảng trường tập trung để tổ chức các sự kiện văn hóa địa phương thu hút du khách.

Khu đô thị miền núi có phạm vi ranh giới gồm: phía Đông tiếp giáp vùng đồi núi của xã Xuân Cẩm cũ, phía Tây tiếp giáp khu du lịch cộng đồng Bản Mạ - Tiến Sơn, phía Nam và Bắc giáp sông Chu.

Quy mô diện tích khoảng 19ha.

Khu vực này định hướng trong tương lai trở thành khu sinh thái của đô thị. Địa phương tạo điều kiện và có các chính sách thu hút các chủ đầu tư đầu tư vào các khu ở sinh thái cao cấp, thu hút dân cư ở các khu vực khác đến đầu tư đất phát triển kinh tế vùng.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.