27/03/2023 9:59 AM
Trong năm 2022, nhiều môi giới đã bỏ nghề khi thị trường tụt dốc và làn sóng sa thải diễn ra ở hầu hết các công ty bất động sản. Có người bỏ về quê tìm kiếm công việc mới, có người bám trụ lại thành phố và đã quay lại với nghề dù thị trường chưa khởi sắc.     

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong năm 2022 có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Kèm theo đó, nhiều doanh nghiệp lớn cắt giảm mạnh nhân sự khiến lượng môi giới thất nghiệp tăng đáng kể.

Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, nhiều môi giới đã quay lại làm nghề. Dù không được sôi động như trước, nhưng cũng nhận được nhiều kết quả tích cực vì tìm được “sinh kế” mới.

Anh Trọng Nghĩa (28 tuổi, làm việc tại TP.HCM) cho biết sau khi nghỉ việc do công ty khó khăn, anh xin làm chạy bàn trong một nhà hàng Nhật. Gần đây anh quay lại làm môi giới và vẫn duy trì công việc chạy bàn để có thêm thu nhập.

Ở công ty trước đây anh là nhân viên môi giới cho một số khu đô thị tại TP.HCM với sản phẩm chủ yếu là biệt thự, shophouse, nhà liền kề. Cuối tháng 2 anh trở lại và tiếp tục bán các sản phẩm thuộc phân khúc trên nhưng chỉ nhận bán hàng “cắt lỗ”.

“Thị trường dù chững lại nhưng có rất nhiều nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu ở thực có tiền mặt sẵn sàng xuống tiền ‘săn’ hàng ‘cắt lỗ’. Vì thế mình chỉ nhận những sản phẩm chủ nhà cắt lỗ thực sự. Cách đây một tuần mình cũng giao dịch thành công căn nhà phố 15 tỉ đồng trong khu đô thị tại Gia Lâm. Giá ban đầu của sản phẩm là 25 tỉ đồng”, anh Nghĩa cho hay.

Cũng như anh Nghĩa, anh Bùi Đình Tú (quận Đống Đa, Hà Nội) vừa nhận cọc của một khách hàng mua căn biệt thự ở Long Biên. Một tuần nữa khi giao dịch hoàn tất anh sẽ nhận được một khoản kha khá từ chủ nhà.

Anh Tú cho biết căn biệt thự được khách hàng mua từ đầu năm 2022 khi thị trường vẫn chưa ảm đạm. Nhưng đến giữa năm 2022, thị trường chững lại trong khi lãi suất vay ngân hàng lại tăng nên họ chấp nhận ‘cắt lỗ’ sâu để bán tháo hàng.

Khác với anh Tú và anh Nghĩa, chị Hà Ngọc Anh (Hà Nội) lại chọn phân khúc khác là đất nền. Từ đầu năm tới nay, đất nền ven đô đã hạ nhiệt, số lượng hàng cắt lỗ đẩy ra thị trường ngày càng nhiều. Chị Ngọc Anh quyết định nghỉ việc nhân viên lễ tân để quay lại thị trường.

Ngọc Anh cho biết đã làm môi giới bất động sản được sáu năm. Kể từ khi lập gia đình và có hai con, cô cảm thấy áp lực về tài chính nặng hơn. Ngọc Anh làm hai công việc, buổi sáng làm thu ngân trong một siêu thị, buổi tối làm nhân viên lễ tân khách sạn.

“Đầu năm 2023, mình thấy thị trường cũng có nhiều thông tin tích cực nên quyết định quay lại với nghề. Để có cơ hội giao dịch thành công, mình chỉ nhận những lô đất nền có đầy đủ pháp lý và cắt lỗ từ 30-40%. Bởi trước tình hình thị trường như hiện tại, chủ sở hữu đất phải giảm đến mức đó mới bán được”, Ngọc Anh cho biết.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, chỉ có phân khúc nhà ở duy trì được các giao dịch, phân khúc nhà ở cao cấp vẫn duy trì được sức hút. Điều đó cho thấy người giàu vẫn giữ được lượng tiền mặt và thực hiện đầu tư kinh doanh.

Đua nhau làm giàu bằng MÔI GIỚI bất động sản, liệu có dễ ăn?

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.