CafeLand - Giới quan sát thị trường cho rằng các sàn thương mại điện tử hoạt động tốt trong cơn đại dịch Covid-19, nhưng sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố. Song có một thực tế là, các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng kinh doanh. Ảnh minh hoạ


Đánh giá về hoạt động của thị trường bán lẻ dưới ảnh hưởng của thương mại điện tử và dịch bệnh Covid-19, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê Thương mại của Savills Hà Nội, cho biết thời gian vừa qua, các nước phát triển đã chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ do ảnh hưởng từ thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến.

Thị trường Việt Nam cũng có những diễn biến tương tự. Sự phát triển của các sàn thương mại điện tử giúp các cửa hàng đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, đăc biệt trong tình trạng giãn cách xã hội kéo dài trong năm 2020 và 2021.

Bà Minh nhận định, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong giai đoạn quý 4-2021 đến qúy 2-2022 sẽ tập trung ở các phân khúc trung và cao cấp.

Bà Minh cho rằng khi bán hàng trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn bất cập về khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa, các nhãn hàng với mặt bằng vật lý vẫn giữ được lợi thế khi có mặt bằng vừa để quảng bá sản phẩm, vừa để cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tới khách hàng.

“Thương mại điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn cửa hàng mặt phố. Song, các nhãn hàng sẽ giảm bớt nhu cầu về mở rộng”, bà Minh nói.

Đơn cử, thay vì mở 10 hay 20 điểm tại một thành phố, các nhãn hàng lớn có thể thu giảm còn phân nửa mà vẫn đảm bảo được khả năng tiêu thụ của sản phẩm.

Thêm vào đó, chủ nhà mặt phố cần hỗ trợ khách thuê với tiến độ thanh toán tiền thuê linh động hơn, đảm bảo giấy phép đăng ký kinh doanh cho mặt bằng, cũng như chấp nhận các điều khoản thuê trong hợp đồng theo yêu cầu của nhãn hàng nước ngoài, thay vì cứng nhắc trong việc cho thuê mặt bằng như trước đây.

Đối với nhóm doanh nghiệp ngành ăn uống (F&B), các nhu cầu về mặt bằng bán lẻ của nhóm khách thuê này đều tập trung ở phân khúc nhà phố và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, nhà phố đang được ưu ái dù giá thuê cao hơn nhưng mức độ tiêu thụ cũng tốt hơn.

Khách hàng F&B chú trọng đầu tư ban đầu lớn, từ hệ thống bếp, đến cơ sở vật chất, trải nghiệm từ chỗ ngồi của khách hàng… Do vậy, việc không được phép mở cửa trong Covid-19 là một trong những điểm yếu khiến các cửa hàng này gần như không thể trụ được về mặt tài chính.

Kể cả có được hỗ trợ về giá thuê trong thời gian đóng cửa thì chi phí hàng hóa, trang thiết bị, chi phí tài chính, nhân sự vẫn quá lớn, dẫn đến việc nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa và thu nhỏ hoạt động kinh doanh.

Việc triển khai bán hàng trực tuyến khá phổ biển trong thời gian gần đây, như là một cách để thích nghi với tình trạng giãn cách hiện tại.

Tuy nhiên, doanh số hạn hẹp không đủ để giúp các cửa hàng duy trì hoạt động kinh doanh. Các chủ nhà phố và sàn thương mại bán lẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể lấp đầy được diện tích trống do khách thuê F&B để lại.

Để có thể điều chỉnh lại phương án cho thuê thích nghi với nhu cầu của các nhãn hàng và tình hình Covid-19 hiện nay, bà Minh cho rằng các chủ nhà/chủ đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ cần điều chỉnh lại phương án giá thuê và thời hạn thanh toán tiền thuê.

Ví dụ, thanh toán hàng tháng (thay vì 6 tháng/lần đối với nhà phố và 3 tháng/lần đối với trung tâm thương mại), giá thuê có thể giảm giá 20-30% vào năm đầu và bù giá vào các năm sau của hợp đồng thuê để giảm tải áp lực tài chính cho đơn vị kinh doanh giai đoạn mở cửa. Các ưu đãi khác về chỗ đỗ xe, biển hiệu quảng cáo cũng là các yếu tố quan trọng.

Cũng theo bà Minh, sau giai đoạn này, các mặt bằng tại khối đế bán lẻ khu chung cư và trung tâm thương mại sẽ được chuộng hơn so với nhà phố do tiện ích của tổng khu mang lại.

Trong vòng một năm tới, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ khôi phục lại sức hút nhờ lượng lớn các thương hiệu nước ngoài cho tất cả các phân khúc bán lẻ, từ thời trang, mỹ phẩm, gia dụng đến F&B vào thị trường Việt Nam.

Đây là tín hiệu tốt đối với chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê, nhưng đồng thời cũng là sức ép với doanh nghiệp nội về mặt cạnh tranh.

Đáng chú ý, Covid-19 không làm thay đổi nhu cầu ăn uống của người dân TP.HCM và Hà Nội.

Mặc dù tiện ích về giao hàng tại nhà đang được tận dụng tối ưu, trải nghiệm ăn uống tại chỗ vẫn được ưu tiên, và người tiêu dùng vẫn mong muốn sớm được mở cửa để có thể ra ngoài.

Do đó, bài toán kinh doanh sẽ nằm ở khả năng kiểm soát tình hình tài chính của doanh nghiệp, và hỗ trợ tối ưu về tiền thuê của chủ nhà để khách thuê doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn Covid-19.

  • Bán lẻ Hà Nội cần thêm thời gian

    Bán lẻ Hà Nội cần thêm thời gian

    CafeLand - Thị trường bán lẻ vừa đi qua quý 3-2021 với những tác động tiêu cực từ đợt bùng phát Covid-19 thứ 4. Theo giới quan sát thị trường, phân khúc này cần thêm thời gian để có thể phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.