Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, thống kê trong 20 năm gần đây (2002 – 2022), khi VN-Index có năm giảm hơn 25% là 2008 và 2011 thì năm sau đó 2009 tăng hơn 56%, còn năm 2012 tăng hơn 17%. Năm nay, VNIndex đang giảm hơn 30% tính đến ngày 24/12/2022.

Ảnh minh hoạ.

Tương tự, thống kê trong 20 năm dành cho các chỉ số lớn trên thế giới như Dow Jones, S&P 500 (Mỹ), DAX (Đức), Nikkei (Nhật), Kospi (Hàn Quốc), Shanghai Composite 300 (Trung Quốc) thì cũng tương tự khi Index giảm hơn 25% thì năm sau đó Index sẽ phục hồi tăng trong khoảng 18% đến 63%, trừ một năm cá biệt Shanghai Composite 300 chỉ tăng hơn 7% trong năm 2012, sau năm 2011 giảm trước đó.

Các chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á như SET (Thái Lan), FTSE Bursa Malaysia KLCI (Malaysia), JCI (Indonesia), STI (Singapore) cũng diễn biến tương tự với mức tăng từ 12% đến 86%.

“Điều này tạo nên kỳ vọng năm 2023, VN-Index sẽ có năm tăng điểm, thậm chí là tăng mạnh”, theo Mirae Asset.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần khép lại năm 2022 với nhiều sự kiện thăng trầm và con số đáng nhớ.

Sau giai đoạn thăng hoa 2020-2021, VN-Index đã liên tục lao dốc không phanh kể từ giữa quý II/2022. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/12/2022, VN-Index đánh mất mốc 1.000 điểm để kết phiên rơi về vùng 985 điểm, giảm 35% so với đầu năm.

Sự sụt giảm của VN-Index được lý giải bởi nhiều nguyên nhân như căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine; lạm phát tăng vọt trên toàn cầu; các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, ngừng bơm tiền ra nền kinh tế…

Trong khi đó, trong nước, thị trường liên tục đối mặt với những cú sốc như nhiều ông lớn bất động sản đã bị bắt giữ do những sai phạm trong phát hành và mua bán trái phiếu, chứng khoán. Năm 2022, cơ quan quản lý cũng mạnh tay hơn trong việc xử lý vi phạm trên thị trường. Các vụ việc điển hình liên quan đến các tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…

Cùng với đó, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt tín dụng đối với các phân khúc cho vay rủi ro cao, gồm đầu tư bất động sản, chứng khoán và niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh… là những nguyên nhân.

Về mặt tích cực, trong năm 2022, dù thị trường chứng khoán có xu hướng giảm mạnh nhưng số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới lại tăng gấp đôi.

Theo đó, tính chung 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp khoảng 2,58 lần so với cuối năm trước.

Đến nay, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021, trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 6,755 triệu tài khoản, tăng 58,18% so với cuối năm 2021 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 42.458 tài khoản, tăng 7,46% so với cuối năm 2021.

Hiện tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước tương đương hơn 6,7% dân số cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.