Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, đối với dự án tuyến metro số 1, dự án có vướng mắc vì căn cứ quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán phần vốn cấp phát cho Dự án theo VNĐ tại thời điểm phê duyệt Quyết định đầu tư dự án ban đầu, nay áp dụng đồng tiền vay là JPY (đồng Yên Nhật) có chênh lệch.
Về vấn đề tỷ lệ cấp phát, cho vay lại, căn cứ ý kiến đồng thuận của TP.HCM, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về tỷ lệ cấp phát dự án là 67,5%/ tổng vốn vay theo tổng mức đầu tư ban đầu, phần tổng mức đầu tư tăng thêm áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.
Metro số 1 TP.HCM vẫn đang kẹt về vốn (ảnh: TTXVN)
Bộ Tài chính cho rằng, để thúc đẩy giải quyết dứt điểm vấn đề này, UBND TP.HCM cần thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xác định số vốn cấp phát cho dự án phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng khẳng định, ngay khi dự án được giao kế hoạch vốn cấp phát và có đề nghị rút vốn, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rút vốn.
Còn đối với dự án tuyến metro số 2, Bộ Tài chính đã ký các Hiệp định vay từ các nguồn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho dự án.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của dự án là rất chậm, phần lớn giá trị vốn vay đã cam kết phải hủy và mới chỉ giải ngân cho chi phí tài chính (khoảng 40,34 triệu USD), chưa giải ngân cho xây lắp, mua sắm thiết bị. Đến nay, toàn bộ các Hiệp định vay tài trợ dự án đều đã hết hạn giải ngân hoặc đã hủy.
Đối với việc gia hạn thời gian giải ngân dự án (nguồn vay KfW), ngày 5.8.2021, phía KfW cho biết chỉ đồng ý gia hạn thời hạn giải ngân của phần vốn viện trợ không hoàn lại (đến ngày 30.12.2026).
Đối với phần vốn vay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến đồng thuận của KfW về việc gia hạn và điều chỉnh lịch trả nợ gốc.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM cập nhật về tiến độ triển khai dự án đến nay.
Đặc biệt là đề xuất ý kiến trao đổi với KfW về trách nhiệm trả phí cam kết đối với phần vốn vay theo quy định của thỏa thuận vay trong giai đoạn từ khi hết hạn giải ngân vào ngày 30.12.2020 đến khi KfW đồng ý tiếp tục gia hạn thời hạn giải ngân (ở mức 0,25%/năm tính trên số vốn chưa rút) trong trường hợp KfW đồng ý việc gia hạn đối với phần vốn vay.
Có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án hiện đạt hơn 87% tiến độ, dự kiến khai thác thương mại năm 2022.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương, quận 12. Dự án có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao. Metro số 2 được kỳ vọng sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác năm 2026 với tổng vốn đầu tư khoảng 47.890 tỷđồng.
-
Trình Quốc hội dự án đường sắt hơn 67,3 tỉ USD, tốc độ 350km/h
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài 1.541km, tốc độ 350km/h, tổng vốn đầu tư hơn 67,3 tỉ USD sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp sắp tới.
-
Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc muốn tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Sáng 6/11, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn....
-
7 lĩnh vực này đứng trước thời cơ chưa từng có khi đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD ở Việt Nam triển khai
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chỉ ra ít nhất 7 lĩnh vực sẽ đón nhận cơ hội mới khi dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được triển khai, bao gồm: xây dựng; các ngành phụ trợ (vật liệu, sắt thép, công nghiệp hỗ trợ); dịch ...