14/07/2015 3:00 PM
Không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua nhà, số tiền đặt cọc 200 triệu đồng của gia đình anh Hải có nguy cơ mất trắng.

Từ thông tin quảng cáo bán nhà trên tờ rao vặt tới hàng loạt thông tin mập mờ khác đã gây bất lợi cho người mua nhà. Ở thế tiến thoái lưỡng nan, anh Hải không còn biết bấu víu vào đâu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Đang có nhu cầu mua nhà ra ở riêng, gia đình anh Hải mừng như bắt được vàng khi đọc tin rao bán nhà trên tờ báo giấy. Đúng như quảng cáo “ngôi nhà diện tích đất 60m2, xây kiên cố tại quận Đống Đa, sổ đỏ chính chủ, giá chỉ 5 tỷ đồng” hoàn toàn phù hợp với điều kiện và nhu cầu mà anh tìm bấy lâu nay. Anh Hải ngay lập tức gọi điện tới chủ nhà và hẹn gặp để trao đổi mua nhà.

Có mặt tại ngôi nhà đang rao bán, anh Hải thấy mừng thầm vì mức giá hơn 5 tỷ đồng được cho là khá mềm, chưa kể tới một khoảng sân rộng đã xây hàng rào kiên cố có thể sử dụng thêm. Hai vợ chồng anh Hải cảm thấy rất ưng và đồng ý muốn mua lại ngôi nhà.

Những lời rao bán nhà hấp dẫn giăng bẫy người mua

Thấy gia đình anh Hải quyết tâm “xuống tiền”, chủ nhà rất niềm nở. Tuy nhiên, họ thông báo rằng, ngôi nhà đang thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng nên không thể cho gia đình xem trực tiếp được. Sau khi thực hiện giao dịch mua bán xong sẽ tới ngân hàng lấy sổ đỏ gốc về bàn giao lại. Họ mong bán nhà ngay để chuyển vào Nam sinh sống.

Tin tưởng vào những lời rao bán của chủ nhà, gia đình anh Hải quyết định đặt cọc 200 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ trả cho chủ nhà vào tuần tới khi tiến hành giao dịch mua bán.

Tưởng chừng sắp mua được nhà ưng ý, giá lại phải chăng, nhưng không giờ mấy hôm sau anh Hải tìm hiểu đã phát hiện nhiều thông tin bất lợi cho mình. Sổ đỏ thực tế trên giấy tờ chỉ có 38m2 trong khi đó diện tích đất lên tới 60m2. Anh Hải lập tức gọi điện cho chủ nhà thì được trấn an rằng việc số diện tích trên sổ đỏ nhỏ hơn so với thực tế là cơ quan chức năng sai sót, sau khi mua, chủ nhà sẽ giúp để đính chính lại thông tin này.

Vấn đề thứ hai mà anh lăn tăn nữa là ba ngôi nhà liền nhau chung móng, chung tường nếu có xây lại chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Lo lắng trước những thông tin trên, anh Hải lập tức yêu cầu chủ nhà hoàn trả lại phần tiền đã đặt cọc. Tuy nhiên, phía người bán lại cho rằng, trước khi mua anh Hải đã tìm hiểu kỹ nên không có việc trả lại tiền đặt cọc, nếu anh không đồng ý mua có nghĩa số tiền 200 triệu đồng mất trắng.

Mấy ngày nay, gia đình anh Hải đang đau đầu về số tiền mà không biết làm cách nào.

Nhiều trường hợp khó đòi lại tiền đã đặt cọc

Tương tự như trường hợp anh Hải, chị Tuyết (quận Đống Đa, HN) mới đây cũng suýt mất 100 triệu tiền đặt cọc khi mua nhà. Cũng đọc quảng cáo bán nhà hấp dẫn giá lại phải chăng, phù hợp với điều kiện của mình, chị Tuyết đã tới ngay để đặt mua vì sợ mất cơ hội. Chủ nhà yêu cầu chị Tuyết đặt cọc ngay vì mong muốn bán nhanh để chuyển gấp vào TP.HCM. Sổ đỏ không thể cho chị xem ngay được vì hiện đang được thế chấp tại ngân hàng.

Gia đình chị Tuyết đi vay nóng 50 triệu đồng để có khoản đặt cọc, đồng thời, chị nhờ người bán ngôi nhà của mình đang ở để có khoản tiền lớn.

Mọi việc đang thuận buồm xuôi gió, thì chị Tuyết mới ngớ người ra khi biết rằng ngôi nhà chị sắp mua cũng có diện tích trên sổ đỏ không đúng như quảng cáo. Phần diện tích phía trước là do chủ nhà lấn chiếm đang bị tranh chấp, có nguy cơ giải toả trong thời gian tới.

Bức xúc trước việc tiền hậu bất nhất của chủ nhà, chị Tuyết ngừng mọi giao dịch. Điều mà chị bức xúc hiện nay là nhà không mua được mà chị đang phải trả lãi hàng ngày. Chị đã nhờ tới chính quyền can thiệp.

Việc quảng cáo một đằng thực tế một nẻo về rao bán nhà đất là một lời cảnh báo cho những người mua nhà, trước khi quyết định mua nhà cần tìm hiểu kỹ, tránh bị tiền mất tật mang mà không biết kêu ai.

D.Anh (Vef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.