Kinh doanh ế ẩm, mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm Sài Gòn giảm tới 50% vẫn vắng khách thuê
Giá thuê mặt bằng giảm 30 - 50% vẫn ế
Chưa bao giờ mặt tiền nhiều căn nhà phố san sát nhau tại trung tâm quận 1, quận 3 từ Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi, Nguyễn Công Trứ… lại đóng cửa im lìm như hiện nay. Thay vào cảnh buôn bán tấp nập thì là hàng loạt biển cho thuê mặt bằng được treo lên.
Anh Tuấn, chủ một căn nhà mặt tiền trên đường Lý Tự Trọng cho hay, trước đây rất nhiều thương hiệu thời trang liên lạc đặt cọc trước, chờ người thuê cũ hết hợp đồng để thuê lại. “Chúng tôi thường chọn người thuê chứ không phải lo về giá thuê. Tuy nhiên từ đợt dịch đầu, đến tháng 4 đã phải giảm giá, đợt dịch sau, giảm giá tiếp… vẫn không ai hỏi thuê”, anh Tuấn nói.
Tại khu vực số 10 Thái Văn Lung, quận 1, căn hộ văn phòng vốn chưa khi nào còn phòng trống. Thế nhưng đến nay, cả cao ốc chỉ còn khoảng 5 - 7 phòng có khách thuê. Nhân viên quản lý cho biết, đợt dịch đầu toàn bộ khách đã được giảm 15% giá thuê, nhưng đợt dịch sau giảm sâu hơn nữa nhưng khách vẫn không thuê.
Anh Lê Minh Tuấn, chủ một doanh nghiệp địa ốc thừa nhận, toàn bộ mặt bằng của công ty hiện nay đang được giảm giá cho các đơn vị thuê từ 30 - 50%. Như căn nhà giá trên 120 tỷ đồng ở đường Ung Văn Khiêm hiện đang cho thuê chỉ 100 triệu đồng/tháng.
Hay như khu nhà xưởng 1.400m2 nằm ở đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức từng cho thuê với giá 1 tỷ đồng/năm, nay giảm một nửa vẫn không ai hỏi.
Không khó để lý giải tình trạng trên khi nhiều công ty, những người làm ăn buôn bán rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Một trong số đó là chị Đinh Đỗ Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Scarlet.
Trước đây, chị thuê một mặt bằng nằm ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Thị Minh Khai, vừa làm xưởng thiết kết thời trang và bán hàng với giá 130 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng của dịch, xin chủ nhà giảm giá không được, chị đành trả lại mặt bằng. Kể từ khi công ty Scarrlet dọn đi vào tháng 5, đến nay vị trí này vẫn treo biển “nhà cho thuê”.
Đau khổ hơn, chị Lan, chủ một cửa hàng đồ gỗ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 đã thuê và đầu tư nội thất trước Tết nhưng nay gần như không thể hoạt động vì dịch.
“Căn nhà này 1 trệt 1 lầu thuê với giá 90 triệu đồng/tháng. Số tiền cọc là 150 triệu đồng, cộng với tiền đầu tư toàn bộ nội thất giá 500 triệu đồng. Nay tôi muốn sang nhượng lấy lại tiền khoảng 50% cũng không thấy ai hỏi”, chị Lan than thở.
Tương tự, anh Vinh, vốn làm trưởng phòng của một công ty vật liệu xây dựng, vì mê kinh doanh nên hai vợ chồng bỏ việc ở công ty và thuê mặt bằng 2 mặt tiền tại quận Gò Vấp với giá 100 triệu đồng/tháng mở nhà hàng.
Riêng tiền đầu tư vào nhà hàng từ trước Tết là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay khách rất vắng, tiền lãi không đủ trả mặt bằng, lương nhân viên. “Giờ muốn nhượng quán nhưng không ai hỏi, bỏ quán thì mất số tiền đã bỏ ra, còn tiếp tục thì mỗi tháng lại tốn thêm hàng trăm triệu đồng”, anh Vinh cám cảnh.
Tiểu thương bán sạp, bỏ chợ
Không chỉ nhà phố ở các tuyến đường trung tâm trả mặt bằng, giảm giá cho thuê, mà tại các chợ trên địa bàn thành phố cũng diễn ra cảnh “trả mặt bằng”, “sang nhượng sạp”, “bán sạp”. Thậm chí, chợ Bến Thành, ngôi chợ sôi động bậc nhất TP HCM cũng không thoát khỏi cảnh này.
Theo ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện chỉ còn khoảng 31% tiểu thương kinh doanh. Nhiều tiểu thương đã phải trả sạp và tính chạy xe ôm kiếm sống.
Chị Lan Hương, chủ một sạp vải tại đây chia sẻ, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, chị đã chủ động đóng cửa 2 tháng. Hồi tháng 5, dịch giảm, chị trở lại chợ nhưng kinh doanh vẫn ế ẩm. “Đây là sạp nhà nên còn duy trì được, chứ xung quanh, những người thuê sạp kinh doanh thì đã trả gần hết”, chị Hương nói.
Quầy sát đó là của chị Thu Mai, kinh doanh túi xách. Chị Mai cho biết, với giá thuê 20 - 40 triệu đồng/tháng, mỗi ngày chị phải kiếm được 3 - 4 triệu đồng mới duy trì nổi cửa hàng.Nhưng mấy tháng nay cửa hàng của chị không kiếm được 500.000 đồng/ngày, thậm chí có khi cả ngày mở cửa hàng cũng chỉ bán được 50.000 đồng.
Tương tự, tại các tuyến đường được mệnh danh là “phố Hàn Quốc” như Bùi Bằng Đoàn, Phạm Văn Nghị, Đặng Đại Độ hay trong khu Phú Mỹ Hưng… cũng rơi cảnh ảm đạm khi nhiều hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng, những bảng hiệu Hàn Quốc dần tháo bỏ.
Được biết, giá thuê mặt bằng khu vực này dao động từ vài nghìn USD đến gần 20.000 USD/tháng, tùy vào vị trí, diện tích của mặt bằng. Trước đây giá thuê cao nhưng người thuê vẫn tranh nhau tới thuê, tới nay giảm giá 30 - 40% vẫn ế.
Khách sạn bán tháo, nhà đất vẫn giữ giá
Bên cạnh thực trạng hàng loạt khách hàng trả mặt bằng, thì khắp nơi đâu đâu cũng thấy cảnh rao bán nhà, bán khách sạn, nhà hàng… Dọc con đường Lê Thánh Tôn, quận 1, biểu tượng của khu phố Tây và trung tâm Sài Gòn, nay nhiều khách sạn quây bạt đóng cửa. Trong số này, sau 9 tháng đầu năm ế khách, một khách sạn 5 sao đã buộc phải rao giá 160 triệu USD.
Hay một khách sạn khác nằm bên sông Sài Gòn chào bán giá hàng trăm triệu USD, song đã mấy tháng nay vẫn chưa tìm ra chủ nhân mới.
Ông T.L, chủ tịch một doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội cho hay, từ tháng 3 đến nay đã nhận được rất nhiều lời chào giá mua khách sạn. “Hồi tháng 5 là một khách sạn 4 sao tại quận 4, khá mới nhưng đường một chiều nên không thuận lợi nên công ty không mua. Mới đây tháng 9, chúng tôi đã vào để đàm phán giá một khách sạn 5 sao”, ông L. nói.
Trên thực tế, theo các chuyên gia bất động sản, giá các tài sản lớn như khách sạn có thể được giảm xuống 10 - 15%, tuy nhiên giá nhà phố, căn hộ, nhà đất bình thường gần như không giảm.
Lý giải vấn đề này, ông Lê Tuấn, chuyên gia bất động sản cho hay: “Xưa nay ít có người chủ nào có nhà hay cao ốc, nhà xưởng cho thuê mà gặp khó khăn về tài chính. Chỉ có trường hợp kinh doanh lĩnh vực khác gặp khó khăn, vỡ nợ thì mới phải bán rẻ tài sản”.
Báo cáo của CBRE Việt Nam về thị trường bất động sản quý II cho thấy doanh thu của nhiều công ty sụt giảm mạnh khiến họ buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ văn phòng. Các tòa nhà hạng A chịu ảnh hưởng nhiều hơn tòa nhà hạng B. Giá thuê trung bình hạng A là 44,4 USD/m2/tháng, giảm 5% và tỉ lệ trống tăng so với năm trước.
Nhiều khách thuê văn phòng có xu hướng thu hẹp mặt bằng ở tòa nhà hiện tại để chuyển sang tòa nhà phân khúc thấp hơn, vị trí rìa trung tâm hoặc ngoại vi thành phố để tiết kiệm chi phí. Xu hướng đi xuống của toàn thị trường được dự báo tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm.
-
Bất động sản TP.HCM tuyệt chủng chung cư giá rẻ
Từ Quý II/2020 tới nay, phân khúc căn hộ chung cư TP.HCM đã không còn xuất hiện dự án căn hộ giá rẻ. Thay vào đó căn hộ cao cấp đã chiếm trên 80% sản phẩm của phân khúc này bán ra thị trường.