20/08/2013 7:26 PM
Công ty CBRE vừa công bố báo cáo chuyên sâu về thị trường bất động sản bán lẻ, trung tâm thương mại Việt Nam với nhiều thông tin đáng chú ý.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang khá dồi dào, giá thuê đang giảm song các chủ đầu tư vẫn chưa có dấu hiệu bỏ tháo lui.

Tại thị trường Tp.HCM, tổng nguồn cung các trung tâm thương mại đến thời điểm đầu tháng 8 đạt khoảng 400.604 m2, với tỷ lệ trống dao động từ 8 - 12,9%. Tuy nhiên, giá thuê ở một số loại mặt bằng bán lẻ vẫn còn khá cao. Cụ thể, giá chào thuê trung bình trong khu trung tâm ở thời điểm quý 2/2013 dao động từ 61 - 106,9 USD/m2/tháng.

Còn khu vực ngoài trung tâm mức chào thuê phổ biến ở mức dao động từ 20 - 48 USD/m2/tháng. Mức giá chào thuê này được CBRE ghi nhận giảm nhẹ so với quý trước đó.

Tại thị trường Hà Nội, mức chào thuê cũng tương đối cao tại khu vực trung tâm, trung bình vào khoảng 100 USD/m2/tháng, khá ổn định trong suốt 3 năm qua. Theo nghiên cứu của CBRE, giá thuê khu vực trung tâm giảm nhẹ theo năm (0,8%) còn giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm lại giảm tương đối mạnh khoảng 13% theo năm (giá chào thuê ở mức trung bình khoảng xấp xỉ 40 USD/m2/tháng).

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ trống có xu hướng tăng lên tại khu vực trung tâm Tp.HCM. Điển hình là một số khách thuê lớn đã rời bỏ một trung tâm thương mại lớn ở quận 1, như: Home One (1.200 m2), Gloria Jean’s (100 m2), Nike (150 m2), Banana Leaf (100 m2) và Givral (100 m2)… Giá thuê cao cùng với lượng khách mua sắm hạn chế là hai trở ngại lớn nhất hiện nay trong ngành bán lẻ.

Tuy nhiên, khảo sát của CBRE cho thấy, niềm tin vào thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được duy trì, với các kế hoạch mở rộng của nhiều chủ đầu tư.

Chẳng hạn tại Tp.HCM, Fairprice liên doanh với Saigon Co.op thành lập Co.opXtraplus vào tháng 5 với kế hoạch 20 trung tâm thương mại từ nay đến 2020, hay Lotte Group với kế hoạch mở 60 siêu thị và trung tâm thương mại trong vài năm tới. Ngoài ra, Saigon Co.op còn mở rộng ra Hà Nội với việc thuê 10.000 m2 sàn bán lẻ ở dự án Nam Đô trong 30 năm.

Cũng như Tp.HCM, một số doanh nghiệp lớn tại Hà Nội vẫn kỳ vọng lớn trong mảng trung tâm thương mại, như Ocean Group tiếp tục cho thấy tham vọng của mình trong lĩnh vực này cùng với Trần Anh Computer. Hai công ty này liên tục có kế hoạch mở rộng mới.

Ngoài việc sở hữu diện tích lớn ở trung tâm thương mại dưới lòng đất, Ocean tiếp mở rộng đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ với dự án Star City Centre 180.000 m2, Ocean Mall tại Trung Hòa Nhân Chính rộng 18.000m2 sắp khai trương, Ocean Mall Làng Quốc tế Thăng Long 10.000m2 vừa đi vào hoạt động,…

Còn Trần Anh ngoài việc mở rộng diện tích ở Royal City, công ty này cũng sẽ chiếm phần lớn diện tích 10.300 m2 sàn bán lẻ ở Hồ Gươm Plaza.

Thống kê của CBRE cho thấy, tại Hà Nội sẽ có thêm khoảng 670.000 m2 sàn bán lẻ từ 10 dự án sắp hoàn thiện. Đây là nguồn cung rất lớn.

Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.200 - 1.300 siêu thị, tăng 600 siêu thị so với năm 2011, 180 trung tâm thương mại tăng 82 điểm so với 2011 và 157 trung tâm mua sắm.

Bảo Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.