Gói kích thích kinh tế của TT Obama không những chưa đủ mạnh mà còn lãng phí và dàn trải, nay ông sắp phải trả giá đắt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Giả sử cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1932 lại diễn ra vào năm 1930, đúng giai đoạn đầu Đại suy thoái. Lại giả sử Franklin Delano Roosevelt chiến thắng dù không áp đảo như năm 1932. Diễn tiến những sự kiện sau đó ắt hẳn sẽ rất khác.


TT có thể đã phải chứng kiến sản lượng và việc làm sụp đổ trong vô vọng. Hàng thập kỷ thống trị của Đảng Dân chủ có lẽ đã không diễn ra.

Bánh xe lịch sử xoay chiều vì những điều may rủi. Nhưng lần này thì khác: cuộc khủng hoảng đưa Barack Obama lên đỉnh cao quyền lực quá gần với giai đoạn kinh tế sụp đổ.

Tôi (cùng nhiều người khác) khi ấy cho rằng cần phải thực thi các chính sách cực kỳ quyết liệt. Than ôi, mọi chuyện đã không diễn ra như thế.

Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ TT (04/02/2009), tôi đã viết: “Thay vì một gói kích thích tài khóa mạnh mẽ, gói kích thích đang được đề xuất quá nhỏ, quá lãng phí và quá dàn trải.”

Một tuần sau, tôi đặt câu hỏi: “Nhiệm kỳ TT của Barack Obama đã thất bại? Bình thường thì câu hỏi này thật vớ vẩn. Nhưng đây không phải lúc “bình thường”. Thời khắc này là của những nguy cơ chồng chất.

Hôm nay, chính phủ mới của Mỹ có thể đổ trách nhiệm cho người tiền nhiệm; ngày mai, trách nhiệm là của mình họ. Hôm nay họ có thể đưa ra giải pháp; ngày mai, đó đã là vấn đề của chính họ.

Hôm nay họ còn kiểm soát mọi việc; ngày mai, dòng sự kiện sẽ quay lại chi phối chính phủ. Hiện nay quá dè dặt nguy hiểm hơn nhiều so với quá mạnh tay.” Tôi đã đúng.

Về mặt định hướng thì chính sách không sai: các nhà hoạch định chính sách (dù không phải tất cả các nhà kinh tế) đã học được nhiều điều từ thập niên 1930.

Những người không ngoan hiểu rằng cần phải quyết liệt mở rộng chính sách tài khòa tiền tệ đi kèm với tái cấu trúc khu vực tài chính.

Nhưng như Larry Summers, Cố vấn kinh tế hàng đầu của TT Obama đã nói: “Khi thị trường “lên cơn”, các nhà hoạch định chính sách cũng phải “lên cơn” theo”.

Đen đủi thay chính quyền đã không lắng nghe lời khuyên tuyệt vời của ông. Điều đó đã cho phe đối lập cơ hội tuyên bố các chính sách đã được thực thi là vô hiệu khi mà nó chỉ chưa tương xứng mà thôi.

Kết quả là chính phủ đã mất tín nhiệm trước công chúng và cơ hội mở rộng thêm chính sách tài khóa đã biến mất.

Khi mà FED cũng thận trọng, có nhiều khả năng tăng trưởng sẽ kém và thất nghiệp sẽ nặng nề đi kèm với các mâu thuẫn chính trị trong và ngoài nước trong thời gian dài.

Thực tế, ý kiến cho rằng thà có các chính sách được thực thi trong mấy tháng cuối của chính quyền TT Bush và vài tháng đầu của chính quyền đương nhiệm còn hơn không vẫn gây nhiều tranh cãi ở Mỹ.

Một nghiên cứu gần đây của Alan Blinder, cựu Phó Chủ tịch FED và Mark Zandi từ Moody’s cho thấy những lời chỉ trích ấy là sai.

Họ sử dụng một mô hình kinh tế vĩ mô tiêu chuẩn để đánh giá điều gì sẽ xảy ra nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào, nếu không có can thiệp về mặt tài chính (mà chính sách tiền tệ là một trong số đó) và nếu không có can thiệp về mặt tài khóa.

Họ kết luận rằng tính từ đỉnh đến đáy, GDP đáng lẽ đã mất 12% nếu không có can thiệp, so với con số thực tế chỉ 4% (xem đồ thị). Tương tự, tỷ lệ thất nghiệp đáng lẽ đã chạm đỉnh 16,5% thay vì con số thực tế 10%.

Nền kinh tế sụp đổ đáng lẽ đã gây thâm hụt ngân sách 2.600 tỷ đôla trong năm tài khóa 2011. Kết quả cũng thảm khốc nếu kích thích tài khóa vừa phải nhưng không đưa ra chính sách về tài chính.

Phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội ngụ ý gói kích thích tài khóa vừa phải vào tháng 02/2009, chỉ tương đương 5,7% GDP cùng năm và lại dàn trải trong nhiều năm, nhưng đã có đóng góp tích cực.

Cơ quan này lập luận rằng trong năm 2010, nhờ có gói kích thích, GDP Mỹ sẽ cao hơn từ 1,5% đến 4,1% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp hơn 0,7% đến 1,8%.

Những kẻ ngây thơ tin rằng kinh tế tư nhân luôn cân bằng, trừ khi chính phủ can thiệp, lại không đồng tình. Tôi ước gì có cách nào đó tiến hành được thực nghiệm ấy mà không làm tổn hại đến hàng trăm triệu người.

Nhưng tôi thấy thật quái lạ nếu nghĩ rằng để gần hết hệ thống tài chính sụp đổ, tránh né các chính sách tiền tệ bất thường rồi vật lộn để cân đối cán cân ngân sách là thích hợp cho một quá trình phục hồi nhanh và bền vững hơn.

Tuy vậy, so sánh với tình hình tại các nước tiên tiến khác có thể đem đến một góc nhìn khác. Sản lượng (và cả sức cầu) tại Mỹ suy giảm tương đối nhẹ nhưng số việc làm lại giảm cực mạnh do năng suất lao động ở Mỹ tăng bất thường.

Sự mâu thuẫn giữa sản lượng và việc làm không được đề cập tới trong phân tích ban đầu về gói kích thích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.

Vì Mỹ là tâm điểm của khủng hoảng tài chính nên việc sản lượng chỉ giảm tương dối nhẹ là rất đáng chú ý.

Hơn nữa, vì các gói kích thích tài khóa tiền tệ nhắm trực tiếp tới sản lượng và sức cầu, không phải việc làm, nên đây là một thành công về mặt chính sách. Cùng lúc đó, tinh thần “sẵn sàng xa thải” của giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cũng thật lạ thường.

Rõ ràng phần nào là do khó khăn của ngành xây dựng. Nhưng phần nào cũng là vì doanh nghiệp Mỹ có thể xa thải nhân công dễ dàng hơn và giới quản lý có động cơ duy trì lợi nhuận trong suy thoái với cái giá phải trả là việc làm.

Đang có tranh cãi về việc thất nghiệp tăng bao nhiêu phần là do cơ cấu. Từ kinh nghiệm của Châu Âu, tôi cho rằng cứ để nguyên như vậy thì kiểu gì thất nghiệp cũng biến thành cơ cấu (thất nghiệp không phụ thuộc vào các chu kỳ kinh doanh – ND).

Trong ngắn hạn, cách đơn giản nhất để ngăn chặn điều đó là tăng sản lượng và tổng cấu.

Vì thị trường lao động đang rất yếu ớt, không có nguy cơ lạm phát, thị trường trái phiếu và ngoại hối cũng không phản ứng tiêu cực nếu có tiếp tục kích thích tài khóa tiền tệ nên đó chính là những chính sách cần tiếp tục theo đuổi.

Dù vậy, dường như FED đã quyết định nhắm mắt làm ngơ và chính quyền đã mất đi động lực của mình.

Vậy thì điều gì sắp xảy ra? Tôi cho rằng, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, phe Cộng hòa mới nổi lên sẽ đề xuất giảm thuế và ngó lơ thâm hụt ngân sách.

Họ sẽ giả vờ như nó chẳng có liên quan gì tới các gói kích thích đang bị ghét bỏ, dù hai chính sách ấy là gần tương tự nhau: tăng thâm hụt ngân sách và làm thoái lui đầu tư tư nhân.

Điều đó sẽ đặt chính phủ vào thế khó. Họ sẽ phải chọn giữa phủ quyết và thông qua việc cắt giảm thuế, thế là phe Cộng hòa lại được tiếng đã hồi sinh được nền kinh tế. Dù sao thì có phục hồi vẫn tốt hơn không.

Những ai đã thận trọng khi cần hành động quyết liệt nay sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Minh Tuấn - Theo FT (Cafef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland