15/03/2018 1:11 PM
Khi không ít dự án BOT giao thông như dự án BOT Cai Lậy vẫn loay hoay tìm lối thoát, người dân bức xúc, chủ đầu tư kêu khó, nhà nước đau đầu, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dự án BOT thông qua việc xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó, có hình thức đầu tư BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) mới nhúc nhích trong giai đoạn “khởi đầu của sự khởi đầu”.

Các phương tiện lưu thông qua BOT Biên Cương, Quảng Ninh. Ảnh: PV

Bộ KHĐT: Triển khai các dự án PPP còn nhiều bất cập, cần xây dựng luật

Ngày 31.1.2018, Bộ KHĐT đăng tải công khai đề xuất xây dựng Luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, chuyên gia.

Sau hơn 1 tháng, hiện đã có 4 bộ (Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao); 7 đơn vị thuộc Bộ KHĐT (PC, THKTQD, KCHTĐT, KTĐPLT, GSTĐ ĐT, ĐTNN, Thanh tra Bộ) đóng góp ý kiến, trong đó Bộ Nội vụ thống nhất toàn bộ với đề xuất. Riêng Bộ GTVT hiện chưa đưa ra ý kiến chính thức.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Danh Huy - Trưởng ban BQL đầu tư các dự án đối tác công-tư (PPP), Bộ GTVT - khẳng định việc xây dựng Luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là rất cần thiết và Bộ GTVT rất ủng hộ đề xuất này. Ông Huy khẳng định Bộ GTVT sẽ tham dự vào tổ soạn thảo luật trên và cho rằng việc xây dựng luật sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới chủ trương quan trọng này.

Theo ông Huy, hiện nay các quy định liên quan tới đầu tư PPP mới ở mức nghị định và có sự chi phối chồng chéo giữa các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… nên có khả năng “làm gì cũng sai vì làm theo luật này thì sẽ sai với luật khác”.

Lý giải về sự cần thiết xây dựng luật, Bộ KHĐT cho rằng dù quy định về đầu tư theo hình thức PPP đã được Chính phủ quan tâm, nghiên cứu, ban hành cũng như sửa đổi, hoàn thiện nhiều lần, nhưng do cấp quy định là Nghị định, bị ràng buộc bởi nhiều luật nên trong thực thi còn nhiều vướng mắc, thậm chí còn để lại nhiều hệ lụy phải xử lý.

Bộ KHĐT cũng nhận định thực tiễn triển khai các dự án PPP còn nhiều bất cập như hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai, công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng thường không đảm bảo, sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời.

Đối với dự án BOT giao thông, xuất hiện các bất cập về mức phí quá cao, vị trí đặt trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách 70km, thời gian thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo sự lựa chọn cho người dân do được thực hiện trên trục đường độc đạo hoặc đường quốc lộ 1A... Đối với dự án BT, bất cập chủ yếu là việc xác định tổng mức đầu tư công trình và giá trị quỹ đất chưa chính xác dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa 2 giá trị.

Do đó, Bộ KHĐT khẳng định cần thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia; nâng cấp các quy định tại Nghị định hiện hành nhằm nâng cao cơ sở pháp lý của các quy định, xử lý các nội dung chồng chéo giữa các luật và bổ sung các quy định còn thiếu, tạo dựng môi trường đầu tư theo hình thức PPP với khung pháp lý cao nhất, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách.

Xây luật phải mất vài năm, giải quyết bất cập hiện tại thế nào?

Chia sẻ về quy trình xây dựng Luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho biết đề xuất của Bộ KHĐT mới bắt đầu cho giai đoạn xin chủ trương xây dựng luật. Theo đó, Bộ KHĐT đã chủ trì đưa ra dự thảo đề xuất trong đó đề cập tới sự cần thiết xây dựng luật cũng như những vấn đề lớn mà luật sẽ tập trung vào sửa đổi, sau đó bộ này gửi đề xuất đến các bộ ngành liên quan xin ý kiến.

Sau khi tổng hợp, giải trình các ý kiến đóng góp, Bộ KHĐT sẽ trình Chính phủ đề xuất chính thức để Chính phủ kiến nghị đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ xem xét và “nếu thuận lợi thì hết năm nay có thể được đưa vào lịch làm việc của Quốc hội trong năm sau”.

Tiếp đến, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương Chính phủ sẽ giao Bộ KHĐT chủ trì thành lập ban soạn thảo với sự tham dự của đại diện các bộ ngành liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ GTVT để cùng xây dựng dự thảo luật… Đại diện này khẳng định ngay cả nhanh thì cũng phải mất vài năm mới xây dựng xong “luật BOT”.

Cùng quan điểm với lãnh đạo Vụ Pháp chế, chuyên gia giao thông Phạm Sanh nhận định việc xây dựng “luật BOT” không còn sớm nhưng cũng chưa muộn. Tuy nhiên, để một bộ luật ra đời cần vài năm xây dựng trong khi các bất cập tại những dự án BOT cần giải quyết sớm.

Do đó, chuyên gia này cho rằng Bộ KHĐT nên xây dựng song song cả Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP để giải quyết các bất cập hiện tại đồng thời xây dựng “luật BOT” để có hành lang pháp lý lâu dài sau này.

Chuyên gia này cũng nhận định trong thời gian qua vai trò của Bộ KHĐT quá lu mờ khiến việc triển khai, quản lý giám sát các dự án BOT có nhiều bất cập.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Khánh Hòa (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.