Nhiều năm qua, AEON trở thành một kênh “xuất khẩu” hiệu quả đối với nông sản Việt Nam vào hệ thống siêu thị tại Nhật. Tuy nhiên, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty AEON Việt Nam, cho biết xoài Việt Nam tiêu thụ không khả quan khi đắt hơn gần 20% so với xoài Thái Lan, Philippines dù chất lượng tương đương. Một nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines. Cũng nguyên nhân này đã khiến chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore.
Mở cửa cho nhà đầu tư EU
Chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới. Thị trường logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội thay đổi lớn khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết, đón nhận dòng vốn đầu tư từ các nước châu Âu. Theo ông Tobias Gruemmer, Giám đốc Vận hành khu vực của Maersk Việt Nam, Việt Nam nay đã đẩy mạnh hơn vào nhập khẩu, sản xuất trong nước, dẫn đến sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng. Đây là cơ hội cho ngành logistics tạo ra những đột phá bằng nội lực cũng như sự hỗ trợ bên ngoài.
Tự do hóa sẽ mời gọi các nhà đầu tư EU cùng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam, gồm các doanh nghiệp hàng hải, dịch vụ xử lý hàng hóa/container, dịch vụ lưu trữ và kho bãi.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại tại Anh, cho biết, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường logistics thế giới đến từ châu Âu”.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt 14-16%, với quy mô 40-42 tỉ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Thị trường logistics của Việt Nam tương đương 21-25% GDP, nhưng 80% thị phần này rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…
Sóng M&A thời COVID-19
Cùng với đòn bẩy từ EVFTA, dự báo hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này tiếp tục sôi động hơn. Trong năm 2019, đã có nhiều thương vụ M&A trị giá hàng triệu USD như Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) mua cổ phần của ITL Corp từ Singapore Post với giá 42,6 triệu USD. SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept. Một tập đoàn lớn của Nhật là CRE, thông qua công ty con CRE Asia, đã đầu tư 6,2 triệu USD vào Sembcorp Infra Services (SIS) trong một thỏa thuận mua cổ phiếu...
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), tiết lộ đang muốn mua 20-30% cổ phần của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kho bãi hoặc vận tải để hoàn thiện chuỗi cung ứng bán lẻ. Ông Tài cho rằng, lúc này là thời điểm mua doanh nghiệp với giá tốt nhất.
Thực tế, theo VLA, các doanh nghiệp logistics đang chịu nhiều tác động xấu từ COVID-19. So với cùng kỳ năm ngoái, có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu và hơn 50% doanh nghiệp giảm 10-30% số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế. Nhiều công ty phải cắt giảm một nửa nhân sự và đang rất cần nguồn tiền để duy trì hoạt động.
Trong khi đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý logistics phù hợp xu thế phát triển hiện nay của Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, điện tử hóa khai hải quan, ứng dụng thương mại điện tử…
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Bee Logistics mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh phong trào người Việt dùng hàng Việt, khi đấu thầu dự án công cần khuyến khích doanh nghiệp logistics trong nước tham gia, thay vì lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp FDI.
Theo ông Julien Brun, Đối tác Điều hành Công ty CEL Consulting, cùng với xu hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ trong nước và khu vực để giảm sự phụ thuộc, thị trường logistics đang có nhiều thay đổi. Đặc biệt, Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế (Economic Prosperity Network) đang được Mỹ xem xét thiết lập, gồm Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và Việt Nam. Các yêu cầu của thị trường mới này bao gồm chuỗi cung ứng đáng tin cậy, sản phẩm liên tục đổi mới sáng tạo và yêu cầu minh bạch về xuất xứ hàng hóa.