26/10/2019 8:10 PM
21 dự án bất động sản do người nước ngoài thâu tóm tại Đà Nẵng mới đây bị “tuýt còi” cho thấy một thực tế là các cơ quan quản lý vẫn còn “loay hoay” khi quản lý người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay có khoảng gần 3.000 tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà tại Nam. Cụ thể, có 944 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận (GCN), cơ quan Việt Nam công nhận; 2.034 người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

“Núp bóng” mua nhà đất

Từ khi Luật Nhà ở năm 2015 có hiệu lực, số lượng cá nhân và tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam gia tăng. Bộ Xây dựng cho biết gần 3.000 tổ chức, cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam là những con số đã đăng ký với Sở Xây dựng các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương có khu du lịch, người nước ngoài “núp bóng” người Việt Nam sở hữu bất động sản (BĐS) ở Việt Nam chưa thống kê được. Điều này gây bức xúc trong dư luận và đặc biệt là các địa phương không quản lý được, nguy cơ mất an ninh trật tự.

Đáng chú ý, một số dự án nhà đầu tư ngoại quan tâm lại ở một số địa điểm nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng như ven biển, gần sân bay, trên sông, sát biên giới như vùng lân cận sông Đồng Nai, gần khu vực sân bay Long Thành, khu vực Vân Đồn, Vân Phong…

Mới đây, báo chí đã thông tin về việc 21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc, gây những phản ứng trái chiều trong dư luận. Cụ thể, theo bài viết phản ánh, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn hiện có 246 lô đất. Trong số này, có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên GCN quyền sử dụng đất.

Trước việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Tp. Đà Nẵng xử lý phản ánh “21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc”.

Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, trước đây GCN quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho người Việt Nam; trong quá trình hợp tác làm ăn, người Trung Quốc góp vốn, đóng cổ phần nên được đứng tên…

“Việc cấp GCN quyền sử dụng đất hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, riêng việc có hay không dấu hiệu người Trung Quốc “núp bóng” mua đất thuộc về cơ quan điều tra”, lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng nói.

Bình luận về vấn đề người nước ngoài sở hữu BĐS tại Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng 21 lô đất tại Đà Nẵng mới đây được phát hiện là của chủ người Trung Quốc nhưng do người Việt đứng tên là những phát hiện nhỏ lẻ.

“Thậm chí, có tập đoàn nước ngoài từng được giao dự án lớn tại vùng ven biển, lại đánh tiếng muốn thuê thêm mở rộng với số lượng từ hàng trăm đến hàng ngàn héc ta đất”, ông Châu chia sẻ.

Số lượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam tăng mạnh từ khi Luật Nhà ở năm 2015 có hiệu lực

Địa phương cần quản lý chặt

Trả lời báo chí liên quan tới việc người nước ngoài “núp bóng” mua nhà tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết Bộ không quản lý về đầu tư nước ngoài.

Tại Nghị định 99 của Chính phủ nêu: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với các địa phương công bố rõ khu vực đất không ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng để người nước ngoài được phép mua nhà.

“Hiện nay, rất nhiều địa phương như Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An… đã công bố khu vực an ninh quốc phòng, chỗ nào người nước ngoài được phép mua nhà. Về việc người Trung Quốc “núp bóng” người Việt Nam mua nhà hay về đầu tư nước ngoài thì phải hỏi Bộ KH&ĐT”, ông Ninh cho hay.

Khi báo chí đặt câu hỏi về quản lý người nước ngoài “núp bóng” sở hữu BĐS ở Việt Nam trong một buổi họp báo của Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định sẽ làm rõ việc vốn Trung Quốc “núp bóng” đầu tư vào Việt Nam từ Hồng Kông, từ Trung Quốc đại lục ở một số ngành và lĩnh vực.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), cho biết chưa có điều tra cụ thể, còn trên góc độ nhà thu thập thống kê thì cơ quan này không nắm được số liệu chi tiết.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng để nắm được doanh nghiệp ngoại thâu tóm chính thức doanh nghiệp nội thì có thể căn cứ vào các báo cáo và công bố thông tin xoay quanh các giao dịch mua bán cổ phiếu. Bởi bất cứ cổ đông lớn nào đang sở hữu 5% vốn trở lên đều phải công bố thông tin.

Nếu để xem xét và ngăn chặn những vụ thâu tóm ngầm thì chỉ cần kiểm tra khoanh vùng các dự án nghỉ dưỡng, BĐS lớn với hàng trăm héc ta ở các khu du lịch ven biển, các vị trí trọng yếu ở nhiều tỉnh, thành có liên quan về an ninh quốc phòng. Còn khi các dự án lớn lại giao cho những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ thì phải xem xét nguồn gốc vốn từ đâu để thực hiện.

“Tuy nhiên, vấn đề là công tác phân cấp cho các địa phương cần rõ ràng và cần có quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân, địa phương khi có người nước ngoài “núp bóng” mua BĐS mà không nắm được”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Minh Trang (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.