Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) với các nội dung có nhiều ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, với tám nhóm vấn đề lớn.
Đáng chú ý là vấn đề chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nửa năm, đã phát hành 116.000 tỉ đồng
Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế đề nghị luật hóa quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Luật Doanh nghiệp.
Bày tỏ quan điểm trước quy định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại những rủi ro nếu cho phép doanh nghiệp không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo đó, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành vừa qua thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải cân nhắc thật kỹ quy định này, bởi nếu quản lý tốt đây sẽ là kênh huy động vốn, ngược lại sẽ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp phát hành ồ ạt, không kiểm soát được.
Trước những lo ngại của bà Ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, quy định này không mới, đã nằm trong nhóm chính sách về hàng hoá trên thị trường chứng khoán. Nếu quy định này được luật hoá trong dự Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông Dũng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp không phải công ty đại chúng phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ là giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp”.
Năm 2018, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hơn 224.430 tỉ đồng. Riêng nửa đầu năm nay, tổng giá trị phát hành của 120 doanh nghiệp khoảng 116.000 tỉ đồng. Trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, việc luật hóa Nghị định số 163/2018/NĐ-CP là việc cần thiết, nhưng qua thảo luận cho thấy chưa đủ điều kiện do chưa đánh giá được tác động. Nếu đưa các nội dung của nghị định có thể có sự xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và luật mới này.
Trong khi đó, nếu không đưa vào luật thì không ảnh hưởng đến hoạt động các doanh nghiệp. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng chưa đưa vấn đề này vào dự án luật này mà cần dược cân nhắc thêm, nếu có xem xét thì xem xét ở Luật Doanh nghiệp.
Không thêm quyền hạn
Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Bày tỏ băn khoăn về việc bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cho Uỷ ban Chứng khoản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, quy định hiện hành giao quyền đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước cho Bộ, cơ quan ngang bộ, SCIC và Ủy ban quản lý vốn nhà nước, nay dự thảo Luật lại giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
“Đây là vấn đề lớn cần thảo luận kỹ, đề nghị các cơ quan hữu quan giải trình làm rõ, đồng thời lưu ý quan điểm tăng thêm thẩm quyền nhưng không nên trái với xu thế hiện hành”, bà Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị thận trọng việc bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tránh làm rối thêm tình hình, làm mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là không bổ sung quy định này bởi sẽ mâu thuẫn với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vào doanh nghiệp.
Kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đây cũng là vấn đề được đặt ra theo kết luận tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng việc đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam vượt qua quy định hiện hành, do đó cần cân nhắc không nên đặt ra.
-
Tháng 8/2019 xuất khẩu Trung Quốc đột ngột giảm sút
CafeLand - Giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang cẳng thẳng, dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 8, xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bán hàng cho Mỹ tụt dốc mạnh hơn cả.
-
Hơn 43% giá trị trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn là trái phiếu bất động sản
Từ 4/10 đến cuối năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 78.878 tỷ đồng. Trong đó, có 43,5% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 34.317 tỷ đồng.
-
VnDirect: Các chiến lược tài chính khéo léo sẽ là chìa khoá giúp nhóm bất động sản vượt áp lực đáo hạn trái phiếu
Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong các quý tiếp theo khi áp lực đáo hạn trái phiếu gia tăng. Các chiến lược tài chính khéo léo cùng với sự hỗ trợ từ phía ...
-
Trái phiếu đáo hạn: Công ty bất động sản có được khất nợ qua năm 2025?
Tôi có mua trái phiếu doanh nghiệp của một công ty bất động sản tương đối lớn và uy tín ở thời điểm mua; tuy nhiên, hiện tại họ đang gặp khó khăn trong tài chính, khả năng cao là không có nguồn tiền để trả nợ trái phiếu đúng hạn trong năm 2024....