Lilama hành xử "cửa quyền"?
Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Quang – khách hàng mua nhà tại Lilama 42 Lĩnh Nam (Hà Nội) bức xúc: “Chủ đầu tư tăng diện tích nhà tôi từ 81 m2 lên 115 m2 nhưng chúng tôi không hề được mời đến bàn bạc trao đổi mà chỉ nhận được vẻn vẹn một thông báo tăng diện tích và đóng tiền nhà. Nhận được thông báo này, tôi rất ngỡ ngàng không hiểu tăng ở đâu, tăng thế nào và cũng không có bản vẽ hoặc bất kỳ giải thích nào kèm theo. Qua đây tôi thấy Lilama làm ăn rất cửa quyền, coi thường khách hàng".
Hợp đồng mua bán gốc ghi rõ căn hộ 81 m2 sau đó đã đội thêm 34 m2 |
Tiếp tục phản ánh, cô Quang cho rằng Lilama đang “chiếm dụng tiền của khách hàng để làm việc khác". Khi khách “truy hỏi”, chủ đầu tư quan co trả lời không đúng vào những vấn đề khách hàng quan tâm. “Khi chúng tôi gọi điện thoại đến hỏi tình hình thì không một ai trong số các ông lãnh đạo có trách nhiệm của Lilama nghe điện kể cả ông Hải (ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc các dự án bất động sản Lilama Hà Nội – PV). Lilama luôn trấn an “để tháng 9/2012 mới đưa ra giải pháp chờ vay vốn ngân hàng. Vậy số tiền các ông lãnh đạo thu của người dân 70%-95% đi đâu rồi? Với số tiền ấy chúng tôi nghĩ họ thừa sức đủ xây toàn bộ khối nhà, hoàn thiện và còn có lãi”.
Trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa cô Quang và Lilama Hà Nội ghi cụ thể diện tích căn hộ là 81 m2. Tuy nhiên, trong thông báo gửi đóng thêm tiền về phần diện tích tăng, Lilama Hà Nội chỉ nêu ngắn gọn: "về diện tích điều chỉnh căn hộ, giá trị hợp đồng mua bán căn hộ của quý khách hàng như sau: căn số 2301, nhà 27 tầng, diện tích cũ là 81 m2, diện tích điều chỉnh 115 m2, giá trị hợp đồng sau điều chỉnh là 1.782.500.000 đồng, số tiền nộp thêm là 298.850.000 đồng và đề nghị quý khách hàng đến văn phòng làm thủ tục ký phụ lục phần bổ sung và nộp tiền cho phần tăng diện tích.
Công ty chúng tôi cũng xin được thông báo tới quý khách hàng trong điều khoản hợp đồng: "06 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, bên B sẽ nộp tiếp cho bên An số tiền bằng 15 % giá trị Hợp đồng đã ký và phần diện tích tăng thêm".
Với thông báo "cụt lủn" như trên, bà Quang cho rằng chủ đầu tư chỉ chú ý đến những điều khoản trong hợp đồng có lợi cho mình, còn phía sai phạm trong hợp đồng chủ đầu tư không nhắc gì đến.
Chủ đầu tư lãi lớn từ số tiền huy động từ khách?
Không chỉ nộp đến 95% diện tích căn hộ, bà Quang cho biết: chúng tôi nộp từ tháng 3/2009 sau đó chủ đầu tư "kêu" giá vật liệu tăng nên thu thêm mỗi m2 1000.000 đồng. Đâm lao phải theo lao, chúng tôi chấp nhận và họ hứa sẽ không bao giờ tăng giá nữa. Nhưng hiện tại, thời hạn giao nhà sắp đến mà tòa nhà vẫn chưa đi vào hoàn thiện để bàn giao cho khách, vẫn chỉ trơ gạch và cột bê tông.
Dự án 52 Lĩnh Nam không có dấu hiệu đang thi công. ảnh P.T |
Theo một chuyên gia kinh tế phân tích, nếu tính số tiền mà mỗi khách hàng bỏ vào dự án thì không nhiều nhưng với số đông thì lại rất lớn. Không chỉ thế, nhiều chủ đầu tư ma mãnh còn “cố đấm ăn xôi” vì khoản tiền thu lợi từ việc huy động vốn góp của khách hàng.
Chẳng hạn, khi chủ đầu tư thu 100 tỉ đồng của khách hàng, với mức lãi ngân hàng như hiện nay trong vòng 2 năm, họ đã có thể bỏ túi hàng chục tỉ đồng tiền lời. Trường hợp bị đòi lại tiền, chủ đầu tư cứ kéo dài thời gian trả nợ đến khi nào khách hàng chịu không nổi, chấp nhận mất 20%-30% trên tổng số tiền đã góp vốn.
Vị chuyên gia này nhận định thêm, thời buổi bùng nổ kiện cáo khách hàng phải chấp nhận chạy theo chủ đầu tư để đòi tiền bồi thường. Tuy nhiên, chưa có một chủ đầu tư nào hoàn thành nhiệm vụ bổi thường với khách hàng. Trong những trường hợp này phần thiệt thòi bao giờ cũng rơi vào khách hàng.