20/07/2023 8:42 PM
Từ đầu năm tới nay, phân khúc bất động sản công nghiệp ghi nhận nhiều dự án liên tục khởi công. Tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh…

Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield cho thấy trong quý II/2023, thị trường khu công nghiệp Việt Nam ghi nhận nguồn cung mới khoảng 238ha đến từ 2 khu công nghiệp ở Hưng Yên. Theo sau làn sóng đầu tư mạnh mẽ, thị trường nhà xưởng xây sẵn ở miền Bắc trong quý II cũng trở nên sôi động hơn.

Đồng thời, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa hoàn thành và khởi công trên toàn quốc, cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư "rót vốn" mạnh dạn hơn vào thị trường bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới.

Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong

Phối cảnh khu công nghiệp Bắc Tiền Phong - DeepC Quảng Ninh II.

Khởi công vào giữa tháng 1/2013, dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong Khu được quy hoạch trên diện tích 7,4ha với tổng đầu tư 20,5 triệu USD. Đây là dự án xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao để phục vụ cho các dự án sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiêp Bắc Tiền Phong.

Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong do DEEP C và Tập đoàn Hateco hợp tác phát triển, đầu tư, được định hướng trở thành một hệ thống khu công nghiêp kết nối trực tiếp với cảng biển phía Nam của tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của chủ đầu tư là xây dựng một khu công nghiệp phù hợp với đa dạng ngành nghề và nâng cao lợi thế logistics cho nhà đầu tư bên cạnh kết nối hạ tầng hoàn thiện sẵn có hiện nay.

Được biết, trong năm 2023, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bắc Tiền Phong sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng của khu công nghiệp.

Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2023.

Khu công nghiệp số 5

Bản đồ quy hoạch khu công nghiệp số 5.

Khu công nghiệp số 5 chính thức khởi công vào sáng ngày 14/3. Dự án được đầu tư bởi Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Yên Mỹ với vốn đầu tư gần 2.400 tỉ đồng trên diện tích 192,64ha tại xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Được biết, đây là dự án có quy mô lớn nhưng được triển khai rất nhanh khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 15 tháng từ ngày được Thủ tướng cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ đầu tư dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất và thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Dự án khu công nghiệp số 5 được quy hoạch hai nhà máy xử lý nước thải với công suất 7.500m3 ngày/đêm. Đồng thời, có một khu nhà ở công nhân 12ha phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc tại đây.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, hiện chủ đầu tư đang đầu tư xây dựng hạ tầng và sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư vào trong khu công nghiệp với lĩnh vực đầu tư điện tử, cơ khí chính xác; công nghiệp nhẹ, các ngành sản xuất kinh doanh khác phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hưng Yên.

Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương

Phối cảnh Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương.

Đây là dự án bất động sản công nghiệp đầu tiên của Tập đoàn Sơn Hà, được khởi công vào ngày 28/4.

Khu công nghiệp SHI IP được xây dựng trên địa bàn các xã Hướng Đạo, xã Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 162,33ha. Trong đó tổng diện tích cho thuê là 116,03ha và 5,59ha là khu thương mại dịch vụ, điều hành phục vụ tiện ích cho khu công nghiệp.

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.576 tỉ đồng, dự kiến bàn giao mặt bằng lần 1 vào quý IV/2023 và bắt đầu đi vào hoạt động từ quý III/2024.

Ngoài xây dựng các hạng mục chính, chủ đầu tư cũng đầu tư xây dựng hạ tầng cảnh quan như cây xanh, hồ nước, khu dạo bộ, khu công viên tập trung được xây dựng xen kẽ với các nhà xưởng.

Tập đoàn Sơn Hà cho biết việc trở thành nhà đầu tư của dự án Khu công nghiệp Tam Dương SHI IP là một bước đệm để tập đoàn tham gia vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và lấy Hà Nội làm trung tâm để mở rộng mạng lưới bất động sản công nghiệp ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Khu công nghiệp Sông Lô II

Phối cảnh Khu công nghiệp Sông Lô II.

Khu công nghiệp Sông Lô II do Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với diện tích hơn 165ha khởi công vào ngày 25/6.

Dự án được xây dựng tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, định hướng trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ hiện đại và hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm điện năng.

Đây là khu công nghiệp tập trung đa ngành; trong đó ưu tiên thu hút dự án ở các lĩnh vực gồm: cơ khí; sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy; sản xuất linh kiện, thiết bị cơ khí chính xác; sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện dân dụng; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, sản phẩm nhựa...

Được biết, ngoài dự án trên, chủ đầu tư đang thực hiện nhiều dự án khác như Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc (221,46ha), Khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam (171,6ha), Cụm công nghiệp Hồng Đức, Hải Dương (75ha) và góp vốn đầu tư vào các khu công nghiệp Đồng Văn 3, tỉnh Hà Nam; Hoa Sen Du Long thuộc tỉnh Ninh Thuận...

Khu công nghiệp Gia Bình II

Quy hoạch Khu công nghiệp Gia Bình II.

Chính thức khởi công vào ngày 9/7, Khu công nghiệp Gia Bình II của Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka được quy hoạch trên diện tích 250ha, trên địa phận 4 xã Nhân Thắng, Bình Dương, Thái Bảo và Vạn Ninh thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là hơn 3.956 tỉ đồng, trong đó vốn góp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka là 1.200 tỉ đồng.

Dự án được phát triển theo định hướng khu công nghiệp tập trung có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, kiến trúc công trình trong khu công nghiệp theo kiến trúc hiện đại, hợp khối phù hợp với chức năng công nghiệp, các công trình hành chính dịch vụ có chiều cao từ 1-10 tầng, công trình nhà máy có chiều cao từ 1-7 tầng, cùng không gian cây xanh, mặt nước, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cảnh quan, môi trường…

Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành

Phối cảnh Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành.

Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành được chủ đầu tư Công ty cổ phần Đô thị Amata Long Thành khởi công vào sáng ngày 7/7.

Dự án có tổng diện tích 410ha, nằm trên địa bàn hai xã Tam An và An Phước của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khu công nghiệp tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cách Sân bay quốc tế Long Thành 10km, kết nối cảng biển - sân bay thông suốt.

Dự án sẽ ưu tiên các nhóm ngành sản xuất công nghệ thế hệ mới, tạo ra giá trị gia tăng về công nghệ kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư của dự án là 282 triệu USD.

Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đô thị Amata Long Thành vào giữa năm 2015.

Ngoài dự án này, Tập đoàn Amata còn triển khai nhiều dự án khu công nghiệp tại Đồng Nai như khu công nghiệp Amata có diện tích 494ha, Khu đô thị dịch vụ Amata Long Thành 1 diện tích 5,5ha, vốn đầu tư 23 triệu USD; Thành phố Amata Long Thành diện tích 753ha, tổng vốn đầu tư 309 triệu USD.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.