Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng. Liên danh Vietur là đơn vị duy nhất được nêu trong danh sách.
Liên danh Vietur đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas, nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ được giới thiệu là có kinh nghiệm thi công nhiều sân bay quốc tế lớn.
Các nhà thầu thành viên trong liên danh này là những đơn vị trong nước như: Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần Kết cấu ATAD, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hawee, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.
Ba liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Nguồn: Tổng hợp.
Đáng chú ý trong của liên danh Vietur là sự có mặt của một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons) như Ricons, Newtecons và SOL E&C. Sau khi rời Coteccons, ông Dương đã quay về phát triển hệ sinh thái do ông sáng lập.
Ngoài ra, Vinaconex cũng góp mặt trong liên danh. Nhà thầu này được biết đến là có kinh nghiệm, năng lực xây dựng, xây lắp, từng thi công gói thầu nhà ga T2 sân bay Phú Bài - Huế.
ACV cũng mời đại diện của liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8 tới đây.
Sân bay Long Thành được xem là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 14,9 tỷ USD. Gói thầu 5.10 có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành. Giới phân tích đánh giá, việc trúng gói thầu 5.10 là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng.
Ba liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói 5.10 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gồm Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu, Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons (CTD) đứng đầu và có thành viên là nhà thầu Thái Lan, Liên doanh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu cùng một số thành viên là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương và Tổng công ty Vinaconex.
Được biết, theo lộ trình, các công ty này sẽ được lựa chọn dựa trên chấm điểm năng lực tài chính, kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật sau đó sẽ đến vòng đấu thầu về giá xây dựng.
Công ty Chứng khoán VietCap (VCSC) đánh giá, cả ba liên danh đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và các sân bay quốc tế lớn.
Liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons, Hòa Bình, Delta và Unicons với Powerline Engineering PCL từ Thái Lan, đơn vị có kinh nghiệm trong Sân bay Suvarnabhumi.
Liên danh Nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc là Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh (BCEG) đứng đầu, đã xây dựng nhiều sân bay ở Trung Quốc và nước ngoài.
Vietur được dẫn dắt bởi IC Istas - nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế lớn. Vietur cũng bao gồm các nhà thầu xây dựng có liên quan đến ông cựu Chủ tịch Coteccons và Vinaconex - nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu với bề dày kinh nghiệm xây dựng các sân bay trong nước.
Công ty này giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, ước tính tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1 nghìn tỷ đồng. VCSC ước tính tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10 (nếu nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói). Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Vinaconex (866 tỷ đồng).
-
Long Thành và Nhơn Trạch sẽ trở thành đô thị sân bay như Changi của Singapore
Long Thành và một phần huyện Nhơn Trạch được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị sân bay đã được áp dụng thành công như Dubai, Frankfurt (Đức) và Changi (Singapore).
-
Trước 28/2/2026 phải khai thác sân bay Long Thành
Thủ tướng yêu cầu tất cả các công việc phải hoàn thành trước 31/12/2025 và đưa sân bay Long Thành vào khai thác trước 28/2/2026, lấy lại tiến độ bị chậm, không thể chậm trễ hơn được nữa.
-
Kiến nghị làm thêm đường băng thứ 2 ở Sân bay Long Thành với kinh phí 3.455 tỷ
Sáng 2/11, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khảo sát vị trí đường sắt tốc độ cao trong khu vực sân bay Long Thành.