Doanh nghiệp trong hai liên danh Hoa Lư (Coteccons, Xây dựng Hòa Bình), Vietur (Vinaconex)... tham gia dự thầu sân bay Long Thành đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023.

Đáng chú ý, trong khi hai “đối thủ” Coteccons, Xây dựng Hòa Bình báo lãi tăng thì Vinaconex - nằm trong liên danh VIETUR do một Tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu liên danh báo lãi quý 2 giảm mạnh.

Danh sách 3 liên danh tham gia gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành. Nguồn: Tổng hợp.

Theo đó, Coteccons (mã chứng khoán CTD) báo lãi ròng quý 2 hơn 30 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 24 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý 3/2021.

Một “ông lớn” khác là Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) cũng báo lãi hàng trăm tỷ đồng trong quý 2/2023 sau khi báo lỗ gần 2.600 tỷ trong năm 2022 và hơn 440 tỷ trong quý 1/2023.

Cụ thể, quý 2/2023 Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.297 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. nhờ sự đột biến từ lợi nhuận thanh lý tài sản, Xây dựng Hòa Bình lãi ròng 547 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 vừa công bố, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.567 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh trong kỳ dẫn đến lợi nhuận chỉ còn 430 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính hơn 119 tỷ đồng, giảm 28%.

Trong khi đó, các khoản chi phí của Vinaconex đều tăng. Cụ thể, chi phí tài chính 245 tỷ đồng, tăng 24%; trong đó, lãi vay hơn 213 tỷ đồng, tăng 10%. Chi phí bán hàng gần 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 104 tỷ đồng, cùng tăng 25%.

Ngoài ra, Vinaconex còn ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh liên kết lên tới 12,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái vẫn có lãi 1,5 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí phát sinh, Vinaconex báo lãi sau thuế 130,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu 6.531 tỷ đồng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với con số đạt được của năm 2022 là 654 tỷ đồng.

Năm 2023, Vinaconex lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8%, còn 860 tỷ đồng.

Quy mô tài sản Vinaconex tại ngày 30/06 hơn 31.409 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so đầu năm. Trong đó, có gần 1.274 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 26%. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 1.928 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó 67 tỷ đồng là khoản đầu tư trái phiếu.

Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 8.613 tỷ đồng, giảm 5%; đáng chú ý là khoản phải thu đối với Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh gần 492 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho 6.690 tỷ đồng, giảm 6%.

Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn 111 tỷ đồng, giảm nhẹ so đầu năm. Trong đó, 96 tỷ đồng cho dự án Resort Tam Kỳ, còn gần 15 tỷ đồng cho các dự án khác.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 6.853 tỷ đồng, giảm 7% đầu năm. Chiếm phần lớn là dự án khu đô thị Du lịch Cái Giá Cát Bà hơn 5.094 tỷ đồng, dự án Kim Văn Kim Lũ 507 tỷ đồng, trung tâm thương mại Chợ Mơ gần 423 tỷ đồng, dự án Thủy điện Đăk Ba gần 327 tỷ đồng.

Nguồn: BTC quý 2/2023 Vinaconex

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Dự án Công ty Cổ phần Bất động sản Vinaconex