26/12/2020 10:55 AM
19 mới nổi lên tại một số quốc gia trong khu vực đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi trong năm 2021...

Bước vào những ngày cuối của năm 2020, nhiều nhà đầu tư xem châu Á là khu vực có triển vọng kinh tế năm 2021 tốt nhất thế giới nhờ kiểm soát tương đối tốt đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới nổi lên tại một số quốc gia trong khu vực đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi trong năm 2021 - hãng tin CNBC dẫn cảnh báo của một số nhà phân tích.

"Đối với một vài trong số những nền kinh tế lớn nhất châu Á, khó khăn mà Covid-19 gây ra trong năm nay sẽ chưa giảm bớt khi kim đồng hồ điểm 12 giờ trong đêm giao thừa sắp tới", công ty phân tích Pantheon Macroeconomics nhận định trong một báo cáo.

Có một điều chắc chắn là số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày tại nhiều nơi ở châu Á vẫn sẽ thấp hơn so với ở châu Âu và Mỹ, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Dù vậy, một số quốc gia châu Á đang phải chống chọi với một làn sóng dịch bệnh tồi tệ hơn nhiều so với những gì họ đã từng trải qua ở thời kỳ đầu của đại dịch.

Ngay cả những quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá cao về thành công trong việc kiểm soát virus cũng có thể không tránh khỏi một làn sóng Covid-19 mới nguy hiểm hơn. Cách đây ít ngày, Đài Loan công bố ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên kể từ ngày 12/4 - một diễn biến cho thấy khó khăn trong việc xóa bỏ tận gốc virus corona chủng mới.

Trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia đang là những nước chứng kiến sự "tái xuất" của Covid-19 mạnh mẽ hơn cả.

Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy Nhật Bản đã có tổng cộng 207.007 ca nhiễm Covid-19 từ đầu dịch đến ngày 23/12, trong đó có 2.941 ca tử vong. Từ đầu tháng 11, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Nhật tăng trở lại, và trong tuần trước đã vượt ngưỡng 3.000 ca mỗi ngày lần đầu tiên.

Các chuyên gia y tế ở Nhật Bản cảnh báo rằng hệ thống y tế của nước này đang chịu áp lực lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đến nay vẫn chưa công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, dù ông đã tạm dừng một chương trình xúc tiến du lịch trong nước nhằm ngăn sự lây lan của virus.

Làn sóng Covid-19 mới đe dọa triển vọng kinh tế châu Á - Ảnh 1.

Diễn biến số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tính theo bình quân 7 ngày ở Nhật Bản từ đầu năm tới nay - Nguồn: Johns Hopkins/CNBC.

Pantheon Macroeconomics nhận định rằng Chính phủ Nhật "tương đối nhẹ tay" trong việc triển khai các quy định về giãn cách xã hội, dẫn tới hiệu quả kém trong chống dịch. Vì vậy, Tokyo có thể phải đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn trong những tháng tới đây.

"Bởi thế, khả năng Nhật Bản phải áp tình trạng khẩn cấp lần thứ hai, một cách hiệu quả hơn và trên phạm vi toàn quốc, vào năm tới là không thể loại trừ", nhóm phân tích của Pantheon nhận định. Trong trường hợp đó, nền kinh tế lớn thứ nhì châu Á sẽ chịu sức ép lớn trong quý 1/2020.

Từ đầu dịch tới ngày 23/12, Hàn Quốc đã có 53.533 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 756 ca tử vong, theo Johns Hopkins.

Cũng giống như Nhật Bản, số ca nhiễm Coid-19 mới hàng ngày ở Hàn Quốc trong tháng này đã lên tới mức cao chưa từng thấy, vượt ngưỡng 1.000 ca mỗi ngày lần đầu tiên kể từ khi có đại dịch.

Nhưng khác với Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc có lập trường chống dịch cứng rắn hơn khi xuất hiện làn sóng Covid-19 mới này.

Làn sóng Covid-19 mới đe dọa triển vọng kinh tế châu Á - Ảnh 2.

Diễn biến số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tính theo bình quân 7 ngày ở Hàn Quốc từ đầu năm tới nay - Nguồn: Johns Hopkins/CNBC.

Hôm thứ Ba, Chính phủ Hàn Quốc công bố lệnh cấm toàn quốc đối với các cuộc tụ tập từ 5 người trở lên, đồng thời yêu cầu các điểm du lịch như khu trượt tuyết và các cơ sở thể thao mùa đông phải đóng cửa. Việc áp dụng những biện pháp như vậy sẽ làm cho thiệt hại kinh tế từ đợt dịch này có thể được gói gọn chủ yếu trong quý 4 của năm nay, thay vì kéo dài sang năm sau - theo nhận định của Pantheon.

Về phần mình, Malaysia đến ngày 23/12 đã có tổng cộng 98.737 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 444 ca tử vong, theo Johns Hopkins.

Quốc gia Đông Nam Á này đã khống chế được số ca nhiễm Covid-19 ở ngưỡng thấp trước khi làn sóng mới nổi lên vào tháng 11. Tình trạng này buộc chính phủ Malaysia phải áp phong tỏa tại một số khu vực trên toàn quốc.

Các chuyên gia của công ty tư vấn Capital Economics nói rằng triển vọng đối với nền kinh tế Malaysia đã trở nên "kém khả quan hơn" trong quý 4, đặc biệt ở lĩnh vực tiêu dùng tư nhân.

Làn sóng Covid-19 mới đe dọa triển vọng kinh tế châu Á - Ảnh 3.

Diễn biến số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tính theo bình quân 7 ngày ở Malaysia từ đầu năm tới nay - Nguồn: Johns Hopkins/CNBC.

"Một làn sóng virus mới và việc tái áp các biện pháp hạn chế đi lại sẽ gây đảo ngược sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 3 của tiêu dùng cá nhân. Giãn cách xã hội vẫn đang là một rào cản đối với các hoạt động ở Malaysia", một báo cáo của Capital Economics nhận định.

Tuy nhiên, một số khu vực khác của nền kinh tế Malaysia, như xuất khẩu, có khả năng tiếp tục tăng trưởng khả quan, nên tác động của làn sóng Covid-19 mới có thể sẽ hạn chế hơn so với làn sóng trước đây, theo Capital Economics.

An Huy (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.