Các tác động của làm việc từ xa đối với ngành bất động sản, nhất là văn phòng và khách sạn, hết sức rõ rệt. Các tòa nhà trống rỗng, chủ sở hữu văn phòng phải giảm giá thuê mà cũng không có khách. Các khách sạn không còn nguồn thu từ khách công vụ đến lưu trú và hội họp. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Dù yêu hay ghét, việc đi lại của người dân là yếu tố quyết định sự sống còn của nền kinh tế. Mỗi khi bước chân ra khỏi nhà để tới công sở, họ sẽ trả tiền taxi, tàu điện ngầm, tiêu dùng tại các quán cà phê và nhà hàng, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang… Toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào sự vận động liên tục này, vốn đã bị tắc nghẽn suốt gần 2 năm nay do đại dịch.
Nhiều người lao động, nhất là những người hướng nội hoặc thích lối sống xê dịch từ quốc gia này sang quốc gia khác, thích làm việc từ xa hơn là tới văn phòng. Nhưng trên thực tế, các công việc có tính linh hoạt đang trì hoãn tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Tại Mỹ, số người làm việc tại nhà được thống kê đã tăng gần gấp đôi trong năm 2020, lên 42% lực lượng lao động.
Theo các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, tỷ lệ người làm việc tại văn phòng ở các thành phố lớn của Hoa Kỳ chỉ bằng khoảng 1/3 mức trước đại dịch. Khoảng 2/3 còn lại, tương đương với hàng triệu người, đang không phải chi tiêu cho vé tàu điện ngầm hay đồ uống. Những thứ tưởng chừng rất nhỏ bé này lại vô cùng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế vốn dựa vào tiêu dùng và dịch vụ của Mỹ.
Ví dụ, ở New York - một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi bắt đầu bùng phát dịch - lượng người đi tàu điện ngầm vẫn chưa bằng một nửa so với trước đại dịch.
Hệ thống giao thông công cộng của New York có quy mô lớn nhất cả nước và là trung tâm sức mạnh kinh tế của thành phố. Trước Covid-19, hệ thống này đã mang về doanh thu gần 17 tỷ USD. Nhưng với lượng người đi lại vẫn tiếp tục giảm, các dự đoán về doanh thu cũng bị cắt giảm. Cơ quan Giao thông Đô thị đã nhận được gần 4 tỷ USD tài trợ của chính phủ thông qua Đạo luật CARES, nhưng doanh thu từ tiền bán vé sẽ không trở lại mức cũ cho đến năm 2023.
Đối với ông lớn cà phê Starbucks, người lao động không quay lại văn phòng đang gây thiệt hại nặng nề cho hãng này. Doanh thu của việc bán tại chỗ trong quý trước chỉ bằng 90% mức trước đại dịch.
“Chúng tôi đủ khả năng thu hút nhiều khách hàng hơn, nhưng chúng tôi chỉ làm được điều này nếu họ rời khỏi nhà và ra ngoài phố”, Giám đốc tài chính Starbucks Rachel Ruggeri cho biết.
Là một tập đoàn toàn cầu, Starbucks có sự hiện diện mạnh mẽ ở nhiều quốc gia mà các cửa hàng cà phê nhỏ hơn không có được. Nhưng chính điều này cũng gây thiệt hại rất lớn cho hãng khi doanh thu của các cửa hàng không bù đủ chi phí.
Mục tiêu trở lại văn phòng đang gây nguy hiểm cho nhiều doanh nghiệp. Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Covid-19 Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn là một trở ngại mới đối với điều này.
Trong bối cảnh này, những gã khổng lồ công nghệ Apple và Google cũng đã phải lùi ngày trở lại văn phòng.
Chính phủ nhiều nước như Mỹ kêu gọi những người đã tiêm chủng ở các khu vực lây truyền cao nên đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà. Điều này có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm chậm quá trình quay trở lại làm việc, từ đó kéo lùi tốc độ phục hồi kinh tế vĩ mô.
Trên toàn thế giới, cách thức làm việc đã vĩnh viễn thay đổi đối với nhiều ngành nghề do đại dịch. Làm việc từ xa và mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng, vì vậy, có khả năng vẫn là một trong những di sản của Covid-1 về lâu dài.
Đây là tin xấu đối với các khu vực đô thị vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực dịch vụ, có thể là nhờ lượng người lao động hoặc khách du lịch, và cả những ngành nghề cần sự có mặt trực tiếp của khách hàng như khách sạn, spa, nhà hàng và quán cà phê bán tại chỗ…. Những khu vực và ngành nghề kể trên sẽ bị tụt hậu trong quá trình phục hồi.
Ngay cả những người lao động được yêu cầu quay lại làm việc cũng tỏ ra rất ngần ngại, thậm chí sẵn sàng bỏ việc nếu không thể làm tại nhà. Họ cho rằng phải có mặt ở văn phòng sẽ không thể chăm sóc con cái hay gặp nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên còn lại trong gia đình.
Không còn cách nào khác, thị trường việc làm cũng đang phải thích ứng với tâm lý này của người lao động.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết: “Các quảng cáo việc làm ngày càng cung cấp nhiều vị trí làm việc từ xa. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng cả người lao động và người sử dụng lao động đều cho rằng việc làm tại nhà vẫn phổ biến hơn nhiều so với trước đại dịch”.
-
Toàn cảnh thị trường bất động sản quý II/2024 qua những con số
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 165/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý II/2024.
-
Những yếu tố then chốt nào thúc đẩy sự phục hồi của ngành bất động sản?
Trong báo cáo cập nhật ngành mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcap đánh giá thị trường nhà ở Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn vào năm 2023 và đang trên đà phục hồi với lượng giao dịch sơ cấp tăng trưởng trở lại....
-
Công ty chứng khoán dự báo thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ giữa năm 2024
Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản nửa cuối năm 2023 và 2024, trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng đây là giai đoạn tiếp tục tháo gỡ các nút thắt tồn đọng và thị trường có thể ấm dần lên từ giữa năm 202...