Sẽ khó khăn đến giữa năm 2013
Bức tranh ảm đạm của thị trường BĐS 2012 đã phơi bày nhiều bất cập mà hậu quả của nó sẽ có ảnh hưởng kéo dài "vắt" sang năm 2013. Thị trường BĐS trầm lắng, giá cả sụt giảm và mất cân đối cung cầu hàng hóa. Mức dư nợ hiện nay khá cao. Thị trường BĐS đóng băng không những gây khó khăn cho các DN BĐS mà còn ảnh hưởng tới tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Thời điểm thống kê đến hết tháng 10-2012 của Ngân hàng Nhà nước, con số này đã lên đến 207.595 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2012 chảy vào thị trường BĐS nhỏ giọt. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính 11 tháng đầu năm 2012 vốn FDI tăng thêm và cấp mới vào BĐS đạt 1,84 tỷ USD trong tổng mức vốn FDI đăng ký là 7,25 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, các phân khúc trong thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, ít nhất là từ nay đến giữa năm 2013 do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong vòng luẩn quẩn như: Tăng trưởng chậm dẫn tới thu nhập giảm, từ đó cầu về nhà ở giảm và các ngành liên quan đến xây dựng giảm và dẫn tới hệ quả là tăng trưởng kinh tế chậm...
Bên cạnh đó, nợ xấu BĐS từ hệ thống ngân hàng chưa thể giải quyết trong "một sớm một chiều" sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường BĐS vì ngân hàng khó có thể cho DN hay chủ dự án vay khi chưa giải quyết xong nợ cũ.
Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn trong nước. Còn nguồn vốn FDI hoặc kiều hối cũng khó có khả năng tăng đột biến do sức sinh lời của thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn giảm sẽ khiến giảm sức hút của nhà đầu tư nước ngoài.
Tìm vốn trung và dài hạn cho thị trường
Làm sao để tạo "cú hích" cho thị trường BĐS trong năm 2013? Đó là câu hỏi không chỉ làm đau đầu nhà đầu tư mà của các nhà hoạch định chính sách, nhằm kích cầu thị trường, tăng trưởng kinh tế. Ngay từ cuối năm 2012, Bộ Tài chính đã đề xuất trình Chính phủ gói 21 giải pháp hỗ trợ thị trường nói chung trong đó có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và thị trường vốn.
Theo ông Ngô Xuân Thanh, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý về thị trường BĐS, trong đó có Luật Đất đai sửa đổi, hướng dẫn thực hiện Chiến lược nhà ở... Trong đó, đặc biệt, cần xây dựng nguồn số liệu về thị trường BĐS chính xác, công khai và minh bạch nhằm quản lý tốt thị trường BĐS và tạo sự minh bạch cho thị trường.
Bên cạnh đó, các DN, chủ đầu tư cũng phải chủ động cơ cấu lại nguồn hàng hóa và chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính để hoàn thiện dự án, đồng thời có nhiều giải pháp khuyến mại, hạ giá thành nhằm kích cầu tiêu dùng.
Do tính thanh khoản của thị trường đang trong tình trạng kém bởi nguồn vốn trong và ngoài nước khó tăng đột biến, do vậy theo ông Thanh, cần triển khai mô hình các định chế tài chính khác nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường như các Quỹ tiết kiệm BĐS, quỹ tín thác BĐS... để cung cấp vốn trung và dài hạn cho thị trường.
Ngoài ra, cần tiếp tục định hướng để các chủ đầu tư tập trung triển khai các loại căn hộ thương mại bình dân, nhà ở xã hội, nhà cho thuế trên cơ sở Nhà nước tăng thêm ưu đãi triển khai dự án nếu thấy cần thiết nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Tạo môi trường thuận lợi để các chủ đầu tư bên ngoài cùng tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có chỉ số giá về giá nhà ở và vật liệu xây dựng, vì thế các mảng hoặc phân khúc khác của thị trường BĐS vẫn chưa có chỉ số giá cả tương ứng, nên quá trình theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các hàng hóa còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc quản lý thị trường BĐS. Do đó, cần khẩn trương xây dựng chỉ số giá cả thị trường đối với các hàng hóa còn lại của thị trường BĐS để làm cơ sở cho việc giá tính thu các khoản liên quan đến nhà đất vào NSNN đảm bảo sát giá thị trường, tránh thất thu cho NSNN.
Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ kiến nghị những nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, như: Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ 1-7-2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN) đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội được xác định theo quy định của pháp luật về nhà ở. Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội. Giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. |