Chỉ sau đúng một tuần, các tính toán cho thấy bình quân lãi suất huy động VND của gần 40 ngân hàng thương mại (NHTM) trên cả nước đạt mức tăng tới 1,1%/năm sau các điều chỉnh lớn ở một vài ngân hàng.

Cuộc đua thêm nóng

Ước tính, mức lãi suất huy động trung bình của 37 NHTM ở kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng lĩnh lãi cuối kỳ đến cuối tuần qua đã tăng lên 12,2%/năm, cao hơn khoảng 1,1%/năm so với trung bình lãi suất vào cuối tuần trước. Trong đó, mức lãi suất trung bình cao nhất hiện đang tập trung vào các kỳ hạn 2, 3 và 12 tháng với lãi suất trung bình lần lượt là 12,36%/năm, 12,35%/năm và 12,3%/năm. Một diễn biến đáng chú ý là chỉ sau một thời gian ngắn, hiện đã có hàng chục NHTM cổ phần đưa lãi suất một số kỳ hạn gửi tiền chủ chốt lên quanh mức 13%/năm. Cá biệt có một vài ngân hàng nhỏ đưa lãi suất huy động lên mức 14-14,5%/năm.



Diễn biến này chính là lý do đẩy bình quân lãi suất huy động của các kỳ hạn trong tuần qua tăng thêm 1,1%/năm. Trong khi đó, theo một số thông tin phản ánh, một vài NHTM cổ phần quy mô nhỏ mới đây đã đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn lên tới 16%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động VND cao nhất được thiết lập kể từ khi lãi suất liên tục được các ngân hàng điều chỉnh từ đầu tháng 11.2010 đến nay. Lãi suất đầu vào tăng cao tác động mạnh đến lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực, đặc biệt là đối với nhiều nhóm sản xuất kinh doanh và vay vốn tiêu dùng. Các tìm hiểu cho thấy, lãi vay VND cao nhất trên thị trường đối với nhóm vay tiêu dùng hiện lên mức 21%/năm.

Nhận định về diễn biến lãi suất VND tăng cao trong vòng một tháng trở lại đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là giải pháp nhằm giảm áp lực về cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế. Trong hai giải pháp đưa ra là tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và tăng lãi suất, giải pháp tăng lãi suất, theo người đứng đầu NHNN, là giải pháp hợp lý vì lợi ích của cả nền kinh tế. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hôm 2.12, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, lãi suất cạnh tranh sẽ ngày càng giảm xuống vào thời điểm khi nền kinh tế ổn định.

Tạm dừng cho vay?

Tuy nhiên, theo như tìm hiểu, với việc đẩy lãi suất cho vay tăng cao đồng loạt việc điều chỉnh lãi suất đầu vào, một số NHTM cổ phần nhỏ dường như muốn gửi đi thông báo tạm dừng cho vay trong thời gian trước mắt. Thực tế, tại một số địa bàn lớn, tăng trưởng tín dụng cũng đã gần như chạm mốc tăng trưởng mục tiêu chung 25% được đưa ra cho cả năm. Như tại địa bàn TPHCM, đến hết tháng 11 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng ước đạt tới 688,1 nghìn tỉ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2009. Trong đó, dư nợ tín dụng của các NHTM cổ phần chiếm 45,1% trong tổng dư nợ, tăng 32,9% so cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng dư nợ tín dụng giữa ngoại tệ và VND vẫn có mức chênh lệch đáng kể như nhiều tháng trước đó.

Cụ thể dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM tính đến cuối tháng 11 tăng tới 39,3% so với cùng kỳ, trong khi dư nợ tín dụng bằng VND chỉ tăng 18,4% so với cùng kỳ. Một diễn biến đáng chú ý là trong tổng dư nợ tín dụng TPHCM, dư nợ tín dụng trung dài hạn tăng tới 29,3% và chiếm 39,8% tổng dư nợ trong lúc dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 49,9%, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Cùng với tốc độ tăng tín dụng, tổng vốn huy động của các TCTD trên địa bàn TPHCM đến cuối tháng 11 cũng đạt mức tăng lớn với con số 26,9% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó các NHTM cổ phần chiếm ưu thế với chiếm 56% tổng vốn huy động, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 41,7% so với cùng kỳ. Góp vào mức tăng chung, cả tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ và VND trên địa bàn TPHCM đều có được mức tăng lớn so với cùng kỳ 2009, khi lần lượt tăng 31,2% và 25,5% so với cùng kỳ.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland