25/09/2015 1:15 PM
Ký túc xá tập trung (đường Nguyễn Hoàng, P.7, TP Đà Lạt) được tỉnh Lâm Đồng đầu tư hơn 220 tỉ đồng xây dựng. Vậy mà năm học 2014 - 2015 chỉ có… 1 sinh viên ở.
Do phòng trống nên một số sinh viên thuê nguyên phòng ở thay vì ở theo tiêu chuẩn 8 người/phòng - Ảnh: M.Vinh
Năm học này số lượng đăng ký ở cũng chỉ có 120 sinh viên, trong khi sức chứa của ký túc xá lên đến 2.000 sinh viên!
Sinh viên không mặn mà
Đứng cách xa khoảng 3km vẫn có thể thấy hai tòa nhà 12 tầng nổi bật giữa vùng rau rộng lớn. Tuy nhiên để đi vào được khu ký túc xá không dễ dàng. Con đường chính Nguyễn Hoàng là đường đất đỏ, nắng bụi bay mịt mù mỗi khi xe chạy qua, mưa thì bùn lầy lội. Những “ổ voi” sâu nửa bánh xe có ở khắp nơi.
Ký túc xá nằm xa các trường đại học, cao đẳng lớn tại TP Đà Lạt. Điểm trường gần ký túc xá nhất là Đại học Yersin Đà Lạt khoảng 3km. Điểm xa nhất là Trường cao đẳng nghề - Du lịch Đà Lạt khoảng 10km. Giá phòng ở tại khu ký túc xá rất thấp, trung bình 40.000 đồng/người/tháng nhưng nhiều sinh viên không mặn mà vào ở.
Các sinh viên cho rằng quãng đường đến trường xa, vắng vẻ, khó đi lại, nhất là mỗi khi trời mưa. Nguyễn Quang Nguyên (Đại học Đà Lạt) cho biết từng tính vào ký túc xá ở nhưng khi đi một vòng xem thì đành đi thuê trọ bên ngoài với giá cao gấp hàng chục lần giá của ký túc xá.
“Ký túc xá sạch sẽ nhưng các tiện nghi khác đều không có như chỗ tập thể dục, chỗ ăn cơm... nên tính đi tính lại rất bất tiện”, Nguyên cho biết.
Sinh viên Trần Hồng Thắm (Cao đẳng Nghề Đà Lạt) cũng chọn ở gần trường vì ngoài đi học Thắm còn đi thực tập và đi làm thêm. Nếu ở ký túc xá sẽ thường xuyên đi về tối, đường quá vắng vẻ sẽ rất nguy hiểm.
Cả hai khối nhà đồ sộ hơn 200 phòng có 3 cán bộ quản lý.
Ông Nguyễn Văn Đức, phó trưởng ban quản lý ký túc xá tập trung TP Đà Lạt, cho biết sinh viên vào ra không đều dù đang ở thời điểm các trường đón tân sinh viên.
Theo kế hoạch khi xây ký túc xá, ngoài sinh viên 6 trường đại học, cao đẳng, trung cấp sẽ chuyển vào nội trú tại ký túc xá thì còn có học viên các trường chính trị, trung học nghề. Tuy nhiên, sau hơn một năm ký túc xá hoạt động thì học viên các trường này vẫn chưa đến ở.
Do không có người ở nên dù hai khối nhà đã hoàn thành nhưng Sở Xây dựng chỉ sử dụng một khối nhà B3. Ban quản lý cho sinh viên thuê nguyên phòng ở, mà theo giải thích là làm vậy để tăng nguồn thu và có người ở thường xuyên, tránh bị xuống cấp.
Dự báo chưa sát
Đó là thừa nhận của ông Nguyễn Dũng, phó giám đốc Sở Xây dựng (đại diện đơn vị chủ đầu tư). Ông Dũng cho biết dự án tính toán lượng sinh viên cần chỗ ở đến năm 2015 là khoảng 20.000 người, 80% số đó sẽ vào ở ký túc xá.
Theo ông Dũng, lập dự toán năm 2009, lúc có nhiều trường đã lập dự án đầu tư vào TP Đà Lạt như ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa TP.HCM, sau đó các trường lại chuyển hướng đầu tư hoặc không đầu tư.
“Điều đó khiến bị hụt so với dự kiến về lượng sinh viên sẽ ở ký túc xá. Chúng tôi tiên lượng tình hình không tốt nên mới có chuyện như hôm nay” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm khu ký túc xá tập trung TP Đà Lạt học hỏi mô hình ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, tuy nhiên do điều kiện khác nhau và mức đầu tư đồng bộ cũng khác nên không thành công.
Về khả năng thu hồi vốn của công trình hơn 200 tỉ đồng này, ông Dũng nói: “Đây là công trình dân sinh từ nguồn vốn nhà nước nhằm giải quyết chỗ ở cho sinh viên nên không đặt vấn đề lợi nhuận và thu hồi vốn lên đầu. Vấn đề là tính toán sai, giờ phải tính toán cụ thể để khai thác hai khối nhà đã hoàn thành cho hiệu quả nhất có thể”.
Để tăng sinh viên vào ở ký túc xá, ông Nguyễn Văn Đức cho biết tỉnh Lâm Đồng cần bố trí vốn để làm đường nhựa và công trình chiếu sáng, đồng thời thiết lập tuyến xe buýt đưa đón sinh viên.
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, xe buýt sẽ bố trí sớm. Đường Nguyễn Hoàng nối ký túc xá và các tuyến đường dẫn vào các trường hiện cũng đã lên kế hoạch.
Tòa nhà B3 đang sử dụng nằm giữa vùng nông nghiệp, có 140 phòng (sức chứa khoảng 1.000 sinh viên) nhưng hiện chỉ có 120 sinh viên đăng ký ở - Ảnh: M.Vinh
Bù lỗ
Ký túc xá tập trung TP Đà Lạt được phê duyệt tổng đầu tư hơn 1.081 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, do ngân sách bố trí chậm nên đến thời điểm dừng dự án chỉ mới xây dựng được 2 khối nhà (B1, B3) và phần móng khối nhà B2.
Tổng mức quyết toán hơn 232 tỉ đồng, trong đó nguồn từ trái phiếu Chính phủ hơn 215 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin từ ban quản lý ký túc xá, mỗi năm tỉnh Lâm Đồng cấp 310 triệu đồng để vận hành ký túc xá 140 phòng. Do không thu hút được sinh viên, năm 2014 ký túc xá gần như không có thu (chỉ có 1 sinh viên ở). Năm 2015 dự kiến tiếp tục lỗ, nguồn thu dự kiến chỉ khoảng… 48 triệu đồng.
  • Sớm triển khai dự án nhà ở cho sinh viên ở quận Liên Chiểu

    Sớm triển khai dự án nhà ở cho sinh viên ở quận Liên Chiểu

    Khởi động dự án từ năm 2003, đến nay, dự án nhà ở cho công nhân đã đổi tên thành công trình ký túc xá (KTX) tập trung phía tây TP Đà Nẵng và đã thay chủ đến ba lần, nhưng tiến độ vẫn ì ạch khiến cho đời sống hàng chục hộ dân các tổ 6-8 (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang phải chịu nhiều bức xúc.

  • Nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp: Vì sao chưa đủ sức hút?

    Nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp: Vì sao chưa đủ sức hút?

    Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp (Hà Nội) được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015. Dự án gồm ba tòa nhà cao 19 tầng với năm đơn nguyên, đảm bảo chỗ ở cho gần 11.000 sinh viên.

  • Nhà công nhân bỏ trống, nhà sinh viên thiếu kinh phí hoàn thiện: Chuyện không của riêng ai

    Nhà công nhân bỏ trống, nhà sinh viên thiếu kinh phí hoàn thiện: Chuyện không của riêng ai

    Trong khi tại nhiều khu công nghiệp công nhân phải ở trọ trong những khu nhà tồi tàn, tạm bợ, không đủ tiêu chuẩn sinh hoạt, thì tại dự án nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh lại tồn tại nghịch lý 6 đơn nguyên với 2.700 chỗ bỏ trống không có công nhân thuê ở.

  • 'Siêu' ký túc xá ở Hà Nội lỗi hẹn vì đói vốn

    'Siêu' ký túc xá ở Hà Nội lỗi hẹn vì đói vốn

    Tính đến thời điểm hiện nay, hai dự án ký túc xá tập trung có quy mô lớn tại Mỹ Đình II và Pháp Vân đã chậm tiến độ so với yêu cầu hơn 1 năm. Nhiều hạng mục trong dự án nhà sinh viên tại Pháp Vân bị dừng thi công do thiếu vốn kéo dài dẫn đến chậm đưa dự án vào khai thác...

Mai Vinh (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.