07/08/2014 8:05 AM
Trong khi tại nhiều khu công nghiệp công nhân phải ở trọ trong những khu nhà tồi tàn, tạm bợ, không đủ tiêu chuẩn sinh hoạt, thì tại dự án nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh lại tồn tại nghịch lý 6 đơn nguyên với 2.700 chỗ bỏ trống không có công nhân thuê ở.

Nhiều căn hộ tại chung cư cho công nhân ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh vẫn bỏ trống. Ảnh: Phan Anh

1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thí điểm phục vụ công nhân tại ô đất ký hiệu NO-02 và NO-03 xã Kim Chung (Đông Anh) do Tổng Công ty CP Vinaconex làm chủ đầu tư, đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu chỗ ở của công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiện có 6 đơn nguyên với 2.700 chỗ không có công nhân thuê. Một mặt là do khu nhà này thiếu hạ tầng xã hội phục vụ sinh hoạt, nhưng mặt khác giá thuê bị cho là cao so với đời sống của công nhân, khiến nhiều người vẫn phải tìm thuê ở những khu nhà trọ có giá thấp trong khu dân cư. Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển nhà (Sở Xây dựng), trước đây khi đưa vào vận hành, Ban quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp sử dụng lao động có hỗ trợ tiền nhà cho công nhân; cụ thể tiền thuê mỗi tháng 120.000 đồng/người, công nhân chỉ phải trả thực tế 50.000 đồng/người. Song thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh giảm sút nên việc hỗ trợ không còn. Để tháo gỡ, Sở Xây dựng đã yêu cầu đơn vị quản lý bổ sung công trình hạ tầng xã hội, rà soát lại đơn giá thuê nhà; đồng thời, thành phố đã giao cho Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Hapro tiếp nhận phần diện tích tầng 1 để mở chợ dân sinh phục vụ công nhân. "Có lẽ sắp tới nên mở rộng đối tượng thuê là hộ gia đình công nhân bên cạnh việc cho thuê hiện nay là đối tượng công nhân độc thân" - ông Vũ Ngọc Đạm cho biết thêm.

Tìm hiểu thực tế, do gặp khó khăn trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp cắt giảm số lao động nên số lượng công nhân tạm trú trên địa bàn xã Kim Chung cũng giảm đáng kể. Song phần khác là dù nhà ở dự án có chất lượng cao hơn nhưng công nhân lại bị "quản lý" chặt về giờ giấc, đi lại, tiếp đón người thân… trong khi phần lớn công nhân là thanh niên chưa lập gia đình có nhu cầu vui chơi, giải trí. Điều đó khiến cho nhiều công nhân trở lại thuê nhà trọ bên ngoài. Được biết, dự án khu nhà ở công nhân Kim Chung có 24 đơn nguyên, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1 vạn người, nhưng mới có 16 đơn nguyên đưa vào cho thuê. Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở công nhân của các khu công nghiệp khác rơi vào tình trạng thiếu vốn để xây dựng.

2. Ngoài nhà ở cho công nhân, Hà Nội cũng đầu tư xây dựng 2 dự án nhà ở tập trung cho sinh viên tại Mỹ Đình II và Pháp Vân - Tứ Hiệp. Tình trạng của các dự án này là đã xong phần xây thô nhưng thiếu kinh phí hoàn thiện, mua sắm thiết bị nên chưa thể đưa vào sử dụng. Nói như Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thì giống như cái áo, may xong rồi, chỉ thiếu mấy cái cúc chưa đơm. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, dự án nhà ở sinh viên Mỹ Đình II đã hoàn thành 5/5 đơn nguyên, với hơn 95.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho hơn 7.600 sinh viên. Dự án này thiếu 78,6 tỷ đồng (giá trị khối lượng đã phê duyệt không nằm trong nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hiện không được cấp bổ sung từ nguồn này) và khoảng 31,6 tỷ đồng thiết bị (bàn ghế, giường tủ…) bổ sung theo phương thức xã hội hóa. Dự án tại khu Pháp Vân - Tứ Hiệp, để hoàn thiện 4 khối nhà, cần gần 700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Tương tự, các dự án nhà sinh viên do Trường Đại học Lâm nghiệp đã xong phần thô tòa nhà 11 tầng, đang thiếu 60 tỷ đồng để hoàn thiện. Dự án tại Trường Đại học Điện lực đã hoàn thiện 1/3 tòa nhà 8 tầng, thiếu 111 tỷ đồng để hoàn thành nốt dự án. Dự án tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia, đã hoàn thành phần thô tòa nhà 15 tầng, 11.220m2 sàn, hiện thiếu 23 tỷ đồng để hoàn thiện đưa vào sử dụng…

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất cho chuyển 1 đơn nguyên tại dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội để lấy vốn hoàn thiện các đơn nguyên còn lại. Phần vốn mua sắm trang thiết bị, đề nghị các trường có nhu cầu sử dụng ứng trước, sau đó khấu trừ vào tiền thuê hằng tháng. Riêng các dự án do các trường làm chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị các trường báo cáo bộ chủ quản cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Tuấn nói: Không thể để các dự án dở dang, không đưa vào sử dụng, rất lãng phí. Cụ thể, với các dự án nhà sinh viên tập trung của thành phố, cố gắng hoàn chỉnh những đơn nguyên đã cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành trong năm học tới.

Ngày 8-8-2014, UBND thành phố sẽ trực tiếp kiểm tra tiến độ các công trình hạ tầng xã hội tại dự án nhà ở công nhân Kim Chung và làm việc với Ban quản lý nhà ở, các sở, ngành thành phố, doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long để bàn biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho dự án này.
Khánh Khoa (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.