23/07/2015 7:46 AM
Khởi động dự án từ năm 2003, đến nay, dự án nhà ở cho công nhân đã đổi tên thành công trình ký túc xá (KTX) tập trung phía tây TP Đà Nẵng và đã thay chủ đến ba lần, nhưng tiến độ vẫn ì ạch khiến cho đời sống hàng chục hộ dân các tổ 6-8 (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang phải chịu nhiều bức xúc.

Dự án treo đã lâu, gây khó khăn cho người dân.

Ông Phạm Sự Thật, tổ trưởng tổ dân phố 8 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đưa chúng tôi đi thực tế sau những phản ánh gửi đến Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng. Nhìn các blốc nhà xây dựng lưng chừng rồi bỏ đó, chung quanh cỏ mọc bao trùm, ngay cạnh đó là những hố sâu hoắm bám đầy rêu xanh do đơn vị thi công múc đất mà chưa hoàn thổ, ông Thật ngao ngán: Dân ở đây đang nằm chờ, mà chưa biết chờ đến khi nào vì dự án thì ì ạch như thế, còn chủ đầu tư thì không thấy tăm hơi. Dân chúng tôi muốn hỏi cũng không biết hỏi ai. Hiện tổ 8 có 15 hộ thuộc dự án nhà ở công nhân đang chờ được giải tỏa, chín hộ thuộc dự án khu KTX sinh viên, riêng hộ ông Phạm Văn Hùng thì lâm vào cảnh vất vưởng ở trong nhà mình mà như thuê.

Theo người dân khu vực này, cách đây 12 năm, đơn vị thi công khởi công công trình dự án nhà ở công nhân với hai dãy nhà năm tầng, nhưng đến nay, theo quan sát của chúng tôi, hai dãy nhà này như bỏ hoang, kế tiếp đó là năm dãy nhà ở sinh viên đang trong quá trình thi công, nhưng tiến độ chậm. Tìm hiểu những công nhân đang làm việc ở đây, khi trả lời câu hỏi về hai dãy nhà ở công nhân bên kia đang bỏ hoang, một kỹ sư quản lý công trình ở đây không cho biết tên, nói: Hồi trước là xây cho công nhân, nhưng bây giờ chuyển đổi mục đích sang KTX sinh viên cả rồi, công trình vẫn đang thi công. Chúng tôi hỏi vì sao nhiều hộ dân ở đây đã kiến nghị được di dời, giải tỏa khỏi dự án như đã đo đạc và thông báo trước đây, thì vị này cho biết cái này không thuộc thẩm quyền trả lời.

Trong khi nhiều hộ trong khu vực đã được giải tỏa và đi ở khu mới từ lâu, thì hộ ông Phạm Văn Hùng, tổ 8, đang đối mặt với việc sập nhà lúc nào không hay vì chung quanh nhà thì bị đào sâu, trong nhà thì thủng, dột. Ông Hùng muốn vay mượn để sửa lại nhưng lại sợ đột ngột buộc di dời thì tiền đó không được đền bù mà gia đình ông hiện rất khó khăn, bản thân già yếu, vợ bệnh nặng. Cực quá, ông đành tận dụng phần đất mà dự án đang bỏ hoang chưa dùng đến để trồng rau màu ngắn ngày, thả mấy con gà, để đỡ phần nào vất vả. "Đề nghị chính quyền phường, quận quan tâm tới chúng tôi, chứ khổ quá. Nhà tôi ở đây đã 30 năm rồi mà giờ khó khăn bủa vây. Khổ lắm". Chúng tôi đến thăm nhà ông Hùng trong cảnh quá tạm bợ mà không khỏi xót xa, khi nhìn ra phía dãy nhà ở công nhân đang xây dựng thì dở dang, cỏ mọc lút đầu người. Quá lãng phí.

Được biết, dự án này đã đổi chủ ba lần, từ tháng 7-2003, UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng xây dựng ba khu nhà chung cư năm tầng dành cho người thu nhập thấp và công nhân, với gần 600 căn hộ, tại quận Liên Chiểu. Dự án này được phê duyệt từ năm 2002 bằng nguồn ngân sách, với tổng kinh phí ban đầu 27 tỷ đồng.

Công trình triển khai phần cột móng, sàn ở hai đơn nguyên thì đến tháng 9-2005 đột ngột dừng lại. Sau khi bỏ hoang gần bảy năm, phơi sương tiền tỷ từ ngân sách, đến tháng 3-2010, dự án này chính thức được bàn giao lại cho Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Phú (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Nhưng rồi sau khi xây được một tòa nhà năm tầng, công ty này tiếp tục "ngừng" dự án vì không có vốn. Công trình triển khai quá lâu, qua nhiều chủ đầu tư nhưng không thể bảo đảm thời gian, nguyên nhân là các nhà thầu thiếu vốn. Để tránh lãng phí công trình với ba khối nhà ở nằm gần một số trường đại học, cao đẳng, có thể khai thác được hiệu quả khi chuyển mục đích của công trình sang KTX sinh viên. Đến nay, UBND thành phố Đà Nẵng giao Ban quản lý dự án xây dựng TP Đà Nẵng điều hành dự án, Công ty cổ phần Đức Mạnh và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 579 thực hiện thi công.

Hiện, dự án đang triển khai thi công từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng nguồn vốn đang gặp khó khăn vì gói thầu nhà ở KTX sinh viên chưa được bố trí vốn. Theo thống kê sơ bộ của UBND quận Liên Chiểu, hiện, trên địa bàn quận có hơn 70.000 công nhân, sinh viên, nhưng với thực trạng này thì công nhân sẽ khó có nhà ở, còn người dân địa phương thì phải sống thấp thỏm vì nằm trong vùng giải tỏa, di dời liên quan đến dự án. Nếu các khu KTX sinh viên hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ giải quyết được một phần nhu cầu về nhà ở cho sinh viên trên địa bàn quận Liên Chiểu; trong khi đó, hàng nghìn công nhân vẫn phải thuê nhà trọ với giá cao để đi làm tại KCN Hòa Khánh.

"Từ năm 2003 đến nay, để phục vụ dự án nhà ở công nhân (nay là khu KTX sinh viên), chính quyền địa phương đã vận động toàn bộ người dân di dời, giải tỏa. Nhưng hiện nay, sau khi dự án được điều chỉnh phù hợp thì các hộ dân trong diện này có thể sửa chữa nhà ở theo quy định".

NGUYỄN HỮU THIẾT

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng

"Gia đình tôi định cư ở đây đã gần 30 năm rồi, nhưng từ khi chia tách huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, có nhiều thay đổi về giấy tờ nhà đất mà chính quyền địa phương đã thu hết giấy gốc, không biết ách ở chỗ nào. Rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình tôi sớm được di dời hoặc cho phép sửa chữa nhà để ở, chứ mùa mưa bão tới thì cả nhà không có chỗ để chui ra, chui vào nữa".

PHẠM VĂN HÙNG

(Tổ 8, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Tú Anh (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.