Hình minh họa
Kinh tế Việt Nam 2022 không như kỳ vọng
Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh và bắt đầu mở cửa vào đầu năm 2022. Quốc hội và Chính phủ cũng đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế để phục hồi và tăng trưởng. Ngay những ngày đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 đưa ra một loạt chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó các chính sách đáng chú ý gồm giảm thuế VAT một số mặt hàng từ 10% xuống còn 8%, hỗ trợ 2% lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, trong Nghị quyết này có một gói tài khóa khá lớn là bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai.
“Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025)”
Nhìn chung Nghị quyết 43 thể hiện quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả đã không mang lại một bức tranh thực sự khả quan cho nền kinh tế. GDP tăng trưởng cao dựa trên nền tăng trưởng thấp năm trước mà không phải xuất phát từ sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế hay hiệu quả thực sự của các chính sách.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt ở mức cao nhưng phần lớn là do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, tính trong 11 tháng đầu năm, doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 254,75 tỉ USD, tăng 14,6% và chiếm 74,44% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó khối doanh nghiệp này nhập khẩu đạt 216,19 tỉ USD, tăng 9,6% và chiếm 65,19% kim ngạch nhập khẩu.
Tăng trưởng GDP năm 2022 cũng đạt ở mức cao nhưng do dựa trên nền thấp của năm 2021. Không chỉ vậy, tình hình kinh tế đã xấu đi nhanh chóng từ giữa năm 2022 khi nhiều ngân hàng bắt đầu hết room tín dụng, lãi suất bắt đầu tăng cao và tình hình kinh tế toàn cầu bắt đầu gặp khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát tại Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Fed liên tục tăng lãi suất và xung đột giữa Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
Mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn khi xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm đều giảm mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 đã giảm 9,4%, nhập khẩu giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch bệnh như dệt may, giày da, thủy sản và mặt hàng điện tử, điện thoại và linh kiện đều có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Rõ ràng sự suy giảm trong tăng trưởng ở Hoa Kỳ, châu Âu đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam.
Lãi suất cao và lòng tin giảm khiến cho dòng tiền bị ách tắc
Nghị quyết 43 của Quốc hội đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay năm 2022 bình quân trên thị trường xuống 0,5 đến 1%. Trên thực tế lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 đã tăng từ 5-7%, lên mức trung bình 13-14%, thậm chí có khoản vay lên đến 16-17%. Lãi suất huy động của một số ngân hàng có thời điểm lên đến trên 12%. Đây là mức lãi suất cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Mức lãi suất này cũng cao hơn rất nhiều so với lạm phát cơ bản năm 2022 dưới 4%.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho lãi suất tăng cao, một trong số đó là do dòng tiền trên thị trường bị rút cạn. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, tăng trưởng vốn huy động mới chỉ đạt hơn 4%, tương đương với tốc độ tăng trưởng cung tiền của toàn bộ nền kinh tế. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng trên 11% của năm 2022. Như vậy, do khan hiếm tiền đã đẩy lãi suất huy động và cho vay đều tăng mạnh.
Nguyên nhân của việc tăng trưởng tiền gửi thấp có một phần rất lớn do các chính sách của NHNN và của Chính phủ. Cụ thể, trước áp lực tăng lãi suất của Fed, để giữ tỷ giá, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành lên tổng cộng 2%. Bên cạnh đó, NHNN cũng bán ra gần 30 tỉ USD dự trữ ngoại hối. Điều này đồng nghĩa với một lượng tương ứng khoảng 700.000 tỉ đồng trong nền kinh tế được hút về. Trong khi đó, NHNN cũng hạn chế cung tiền ra nền kinh tế thông qua thị trường mở vì sợ lạm phát. Đây là nguyên nhân chính yếu khiến cho nền kinh tế bị thiếu hụt tiền.
Ngân hàng Nhà nước cũng bán ra gần 30 tỉ USD dự trữ ngoại hối hút từ nền kinh tế về khoảng 700 nghìn tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính yếu khiến cho nền kinh tế bị thiếu hụt tiền.
Một nguyên nhân quan trọng khác là thu ngân sách nhà nước năm 2022 cũng tăng mạnh, trong khi đó giải ngân đầu tư công chỉ chưa đến 50% so với kế hoạch. Theo Bộ Tài Chính, có gần 1 triệu tỉ đồng tiền ngân sách đang gửi tại các ngân hàng thương mại và kho bạc nhà nước. Một tỷ lệ rất cao lượng tiền này đã không được quay vòng lưu thông trong nền kinh tế.
Dòng tiền bị ách tắc còn liên quan đến những khủng hoảng của trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua. Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành hầu hết là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2020 khoảng 435.777 tỉ đồng, năm 2021 khoảng 605.935 tỉ đồng, quý quý 1.2022 khoảng 138.810 tỉ đồng. Những tập đoàn có lượng trái phiếu huy động rất lớn là Vạn Thịnh Phát, Savico, Trung Nam Group, Masan,…
Đầu năm 2022, nhận thấy những rủi ro lớn bởi nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu một cách tràn lan với lãi suất cao, hồ sơ công bố và cách thức chào bán cũng không minh bạch, sử dụng vốn không đúng mục đích, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hạn chế. Đặc biệt, sau khi một số lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát bị bắt liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã làm cho lòng tin nhà đầu tư suy giảm. Nhiều doanh nghiệp buộc phải mua lại trái phiếu trước thời hạn, doanh nghiệp khác không thể phát hành trái phiếu mới huy động vốn trả nợ cũ. Tất cả những điều này đã tạo nên một cuộc “hoảng loạn” thực sự trên thị trường trái phiếu.
Hiện tại nhiều nhà đầu tư đang lo ngại cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài trong một vài năm tới khi có đến 271.000 tỉ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn năm 2023 và 239.000 tỉ đáo hạn năm 2024. Đây sẽ là một thử thách lớn không chỉ với các doanh nghiệp đang huy động vốn bằng phát hành trái phiếu mà cả hệ thống tài chính.
Một thách thức khác không thể không nhắc đến đó là những bất ổn liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đây là một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng tài sản lên đến 761.000 tỉ đồng (quý 2.2021), trong đó số vốn huy động từ người dân lên tới 594.000 tỉ đồng. Hiện nay, ngân hàng này đang bị kiểm soát đặc biệt nhưng nhiều người vẫn lo ngại hệ quả của ngân hàng này để lại cho nền kinh tế về dài hạn là không hề nhỏ bởi nhiều tài sản của ngân hàng có chất lượng kém và khả năng thu hồi được vốn rất thấp.
Như vậy, có thể thấy những trục trặc trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khá lớn dù hoạt động của các ngân hàng đang được kiểm soát một cách chặt chẽ. Các ngân hàng cũng đã nâng cao chất lượng quản trị khi dần áp dụng chuẩn Basell II. Tuy nhiên, với sự suy giảm của nền kinh tế, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tăng quá cao như hiện nay thì nguy cơ về nợ xấu tăng mạnh và rủi ro từ hệ thống tài chính vẫn rất lớn.
Hình minh họa
Những kỳ vọng trong năm 2023
Nhiều chuyên gia cho rằng năm 2023 chắc chắn là một năm khó khăn với kinh tế toàn cầu. Khả năng suy thoái của các nền kinh tế lớn lên đến 60-70%. Nhiều khả năng Fed và Ngân hàng trung ương các quốc gia sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để chống lại lạm phát. Bên cạnh đó, nền kinh tế từng được xem là đầu tàu “kéo” kinh tế thế giới là Trung Quốc cũng đối diện với rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh, khủng hoảng trên thị trường nhà đất là bước ngoặt chấm dứt tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong nhiều thập niên qua.
Là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, Việt Nam không chỉ chịu ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu mà còn đang phải chật vật đối phó với các vấn đề nội tại của mình. Hiện tại, doanh nghiệp đang “đau đầu” với lãi suất ở mức rất cao và sự suy yếu chung của toàn bộ nền kinh tế. Hệ thống tài chính đang gồng mình với bài toán nguy cơ nợ xấu và hệ quả của ngân hàng SCB để lại đối với nền kinh tế. Không chỉ có vậy, hiện tại hàng trăm nghìn người dân trực tiếp hoặc gián tiếp mua trái phiếu “dưới chuẩn” của doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất trắng.
Bên cạnh đó việc tăng cường xử lý sai phạm của một số cơ quan nhà nước, quan chức liên quan đến lĩnh vực đất đai và một số lĩnh vực khác cũng sẽ làm cho “dòng chảy” của nền kinh tế bị ách tắc. Nhiều dự án bất động sản phải dừng thi công nhiều năm. Hàng trăm nghìn tỉ đồng bị chôn vùi nhiều năm đã đẩy giá thành bất động sản tăng mạnh, nguồn cung cho thị trường nhiều khu vực theo đó cũng bị thiếu hụt. Những vướng mắc này còn được thể hiện trong “ách tắc” đầu tư công khiến cho nhiều dự án bị chậm tiến độ, đội vốn. Điều này ảnh hưởng chung đến hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.
Bất chấp những rủi ro và ách tắc đó, các quan điểm lạc quan vẫn kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới. Hệ thống tài chính toàn cầu vẫn khá vững vàng, đỉnh điểm của lạm phát và rủi ro trong kinh tế toàn cầu đã qua. Do đó, kinh tế toàn cầu có thể nhanh chóng lấy lại được đà phục hồi trong giữa năm sau và các ngân hàng trung ương cũng sẽ hạn chế tăng lãi suất.
Đối với Việt Nam, những khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời. Thời gian tới các chính sách điều hành của Chính phủ quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và niềm tin của nhà đầu tư sớm trở lại. Bên canh đó Việt Nam vẫn được đánh giá là một nền kinh tế rất nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội để phát triển.
Hình minh họa
Những dấu hiệu tích cực có thể nhận ra là dòng vốn FDI vẫn liên tục đổ vào Việt Nam trong những năm gần đây. Việt Nam đang dần chuyển mình, không chỉ đơn thuần là nước gia công xuất khẩu mà đang trở thành nơi sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, trung tâm nghiên cứu của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Việt Nam đang được kỳ vọng có những bước phát triển đột phá khi Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư cho các dự án đầu tư công. Không gian tài khóa cũng còn rất lớn khi tỷ lệ nợ công hiện nay của Việt Nam cũng đang ở mức thấp, năm 2023 cũng là năm “bội thu” ngân sách. Như vậy, nếu các chính sách của Chính phủ được thực thi một cách hiệu quả, đúng kế hoạch thì kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng lấy lại được đà tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát quanh mức 4%, tỷ giá ổn định cho năm 2023 vẫn hoàn toàn khả thi.
Sắp tới nhiều khả năng NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để giảm mặt bằng lãi suất về mức hợp lý. Chính phủ cũng sẽ tăng cường giải ngân các dự án đầu tư công, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Những khó khăn pháp lí đối với nhiều dự án bất động sản cũng dần được tháo gỡ giúp thị trường có thêm các nguồn lực mới.
-
Kinh tế năm 2023: Nhiều gam màu sáng
Chưa bao giờ các vấn đề vĩ mô lại được nhiều người quan tâm đến thế. Điều này cũng dễ hiểu khi các yếu tố về kinh tế vĩ mô, chính sách đang tác động một cách sâu sắc lên toàn bộ doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn xã hội.
-
Vì sao cổ phiếu Nam Kim được định giá ở mức 18.000 đồng?
Theo các công ty chứng khoán, cổ phiếu của Nam Kim đang có sự cộng hưởng tốt từ sự tăng trưởng hợp lý về quy mô công suất, giá thép phục hồi và triển vọng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU....
-
SSI Research nhận định gì về cổ phiếu Hoa Sen, Nam Kim?
Mặc dù giá thép phục hồi có thể tác động tích cực đến hàng tồn kho của Hoa Sen và Nam Kim trong quý 1.2023, giá cổ phiếu trong ngắn hạn của hai doanh nghiệp tôn mạ này có thể đối mặt với áp lực chốt lời mạnh sau đợt tăng giá vừa qua....
-
Tập đoàn Hoa Sen lên kế hoạch IPO các công ty nhựa và bán lẻ, trả cổ tức 3%
Hoa Sen dự kiến đưa hai công ty con trong lĩnh vực ống nhựa và phân phối nội thất - vật liệu xây dựng lên sàn chứng khoán trong thời gian 2024-2026.