20/01/2023 9:00 AM
Chưa bao giờ các vấn đề vĩ mô lại được nhiều người quan tâm đến thế. Điều này cũng dễ hiểu khi các yếu tố về kinh tế vĩ mô, chính sách đang tác động một cách sâu sắc lên toàn bộ doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn xã hội.

Dịch bệnh đã làm thay đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu

Vào những ngày giáp Tết âm lịch năm 2020, cả thế giới bàng hoàng, hoang mang khi thông tin thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc với hơn 11 triệu dân đang bị tàn phá bởi dịch cúm lạ. Cả thành phố công nghiệp này bị phong tỏa, số người chết tăng lên từng ngày. Nhiều người lo sợ nhân loại phải đối mặt với một dịch bệnh khủng khiếp chưa từng có trong hơn 100 năm qua.

Lo sợ này đã nhanh chóng trở thành hiện thực khi dịch bệnh virus cúm sau này được đặt tên chính thức là Covid-19 đã lan ra toàn cầu. Dù hầu hết các quốc gia đều thực hiện chính sách kiểm soát nghiêm ngặt nhưng những con virus nhỏ xíu theo dòng người di chuyển đến mọi ngõ ngách trên thế giới chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Hàng trăm triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hàng chục nghìn người chết mỗi ngày. Sự tàn phá của dịch bệnh thể hiện qua các con số thống kê về kinh tế vào thời điểm đó. Cụ thể, quý 1 năm 2020, GDP của Trung Quốc đã giảm tới 10,1%. Một quý sau đó, vào quý 2 năm 2020, GDP của nền kinh tế số 1 thế giới là Hoa Kỳ cũng giảm tới 29,9%, châu Âu giảm tới 11,5%, còn Nhật Bản giảm 8%. Tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia phát triển cũng tăng vọt lên mức 10-20%, mức chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.

Hình minh họa

Để đối phó với tình trạng chưa từng có này, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hay Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và một loạt ngân hàng trung ương của các quốc gia khác cũng thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có. Các ngân hàng trung ương gần như ngay lập tức đưa lãi suất về mức gần 0% và liên tục bơm tiền ra thị trường tài chính để tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Các chính sách này đã giúp cho thị trường tài chính đứng vững và chặn đà lao dốc của thị trường chứng khoán.

Song song với đó, các chính phủ cũng liên tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Người dân của nhiều quốc gia đã được trợ cấp hàng nghìn đô la. Hàng trăm tỉ đô la được chi ra để phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách của hầu hết quốc gia đã tăng lên mức chưa từng có từ trước đến nay. Tại Hoa Kỳ, thâm hụt ngân sách năm 2020 và năm 2021 lần lượt là 14,9 và 16,7% so với GDP, mức này cao gấp 3-5 lần những năm trước đó. Tại châu Âu, Nhật Bản thì tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP năm 2020 cũng lần lượt lên tới 7,1 và 10,1%.

Sau hơn một năm bùng nổ, sang nửa cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia dần được khống chế bởi vắc xin ngừa Covid-19 được phổ biến rộng rãi. Theo đó, các quốc gia phát triển cũng dần mở cửa trở lại, kinh tế cũng dần phục hồi và tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh. GDP của Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng tới 6%, tỷ lệ thất nghiệp giảm về dưới 4%. GDP của khối liên minh châu Âu cũng tăng tới 5,3% trong năm này. Hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có sự phục hồi ấn tượng khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát.

Tuy nhiên, các quốc gia này tiếp tục đối mặt với một vấn đề mới đó là tình trạng lạm phát bắt đầu tăng mạnh. Lạm phát của Hoa Kỳ kết thúc năm 2021 lên tới 7% và đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm 2022. Đây là một mức quá cao so với mức lạm phát chỉ có 2-3% trong hơn 2 thập kỷ qua của quốc gia này. Tình trạng lạm phát ở châu Âu càng trầm trọng hơn khi tăng tới 10,6% vào tháng 10 năm 2022.

Lạm phát cao của các quốc gia như là điều tất yếu khi mà trước đó tiền được liên tục bơm ra nền kinh tế. Đồng tiền dễ dãi đã kích thích nhu cầu tiêu dùng dẫn đến nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh. Theo đó, giá hàng hóa, giá cước tàu biển cũng tăng theo. Ngay cả mặt hàng xăng dầu từng giảm về mức giá âm trong đại dịch cũng đã bùng nổ khi các nền kinh tế phục hồi.

Nền kinh tế toàn cầu trị giá 100.000 tỉ USD trong một biểu đồ

Tuy nhiên, việc phục hồi này không kéo dài được lâu bởi cơn bão lạm phát ập đến buộc hầu hết những quốc gia phát triển phải thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ để chống lạm phát. Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất từ mức 0% lên mức 4,5%, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất từ mức 0% lên mức 2,5%, mức cao nhất kể từ năm 2009. Việc Fed và ECB tăng lãi suất đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.

Kinh tế thế giới liệu có suy thoái?

Hiện nay, nhiều nhà kinh tế cho rằng kinh tế thế giới sẽ rơi vào một giai đoạn suy thoái trong năm 2023 và năm 2024. Nhận định này dựa trên cơ sở lãi suất và lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để kéo lạm phát về mức trung bình 2-3%. Trên thực tế chúng ta cũng nhận thấy các dấu hiệu suy yếu của kinh tế toàn cầu cũng khá rõ ràng khi tốc độ phục hồi kinh tế giảm mạnh. Giá cả nhiều hàng hóa cũng bắt đầu giảm theo.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng những vấn đề mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt hiện nay là hết sức đặc biệt. Do đó, những giải pháp chính sách cho nền kinh tế thời gian tới cũng phải “đặc biệt” không thể máy móc như trước đây. Điển hình trong số đó là Joseph E. Stiglitz - người đoạt giải Nobel kinh tế và là giáo sư tại Đại học Columbia, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (1997-2000), Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ - cho rằng lãi suất cao hơn có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát. Nguyên nhân là việc huy động các khoản đầu tư khó khăn hơn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

Những khó khăn của các nền kinh tế hiện tại xuất phát từ yếu tố ngoại sinh, tức từ dịch bệnh và chiến tranh. Do đó, nhiều khả năng các nền kinh tế cũng chỉ suy giảm nhẹ và phục hồi trở lại kể từ cuối năm 2023.

Theo Joseph E.Stiglitz cho rằng các ngân hàng trung ương nên thận trọng trong việc tăng lãi suất trong thời gian tới bởi nó có thể gây suy thoái trầm trọng cho các nền kinh tế, trong khi đó không ngăn chặn hoàn toàn được lạm phát. Những quan điểm của Joseph E. Stiglitz không phải là không có cơ sở khi lạm phát gần đây đã giảm mạnh. Lạm phát theo tháng của Hoa Kỳ trong tháng 11 chỉ tăng 0,1%, Khối liên minh châu Âu giảm 0,1%, Trung Quốc giảm 0,2%. Nhìn chung lạm phát trên toàn cầu đang giảm rất nhanh sau một thời gian tăng mạnh.

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 và thứ hạng (nguồn: Visualcapitalist)

Như vậy, rõ ràng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đang chậm dần và khả năng suy thoái vẫn hiện diện nhưng sẽ không quá trầm trọng như những lo ngại trước đó. Thời gian tới, nhiều khả năng Fed và ngân hàng trung ương các nước sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất.

Một điểm nữa củng cố cho lập luận rằng kinh tế thế giới không quá xấu là hệ thống tài chính các quốc gia hiện nay đang khá vững vàng. Những cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trước đây đa phần xuất phát từ yếu tố nội tại và thường bắt đầu từ hệ thống tài chính. Trong khi đó, những khó khăn của các nền kinh tế hiện tại xuất phát từ yếu tố ngoại sinh, tức từ dịch bệnh và chiến tranh. Do đó, nhiều khả năng các nền kinh tế cũng chỉ suy giảm nhẹ và phục hồi trở lại kể từ cuối năm 2023.

(Còn tiếp)

  • Kinh tế năm 2023: Nhiều gam màu sáng (Phần 2)

    Kinh tế năm 2023: Nhiều gam màu sáng (Phần 2)

    Nhiều người đặt câu hỏi liệu sắp tới lạm phát có cao không, có nên mua USD hay không, lãi suất có lên mức 20% như năm 2012 không, chính sách vĩ mô sắp tới sẽ thế nào? Do đó, dự báo được những thay đổi về kinh tế vĩ mô sẽ giúp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp có được các chiến lược, kế hoạch đúng đắn trong các quyết định đầu tư của mình.

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.