Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thấp và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ về việc lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker kể từ ngày 1/1/2023.

Mới đây, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker kể từ ngày 1/1/2023 theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.

Ngành xi măng kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu tới năm 2023

Trước đó, do tình hình xuất khẩu xi măng và clinker đã đạt đến mức ngưỡng khống chế, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker từ 5% lên 10%.

Để hạn chế xuất khẩu, mặt hàng clinker (nhóm 25.23, mã số 2523.10.10 và 2523.10.90) phải chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu 5%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.

Trong năm 2022, các doanh nghiệp xi măng trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng. Giá than nhập khẩu tăng mạnh khiến sản xuất không hiệu quả.

Chủ tịch VNCA cho biết, dự báo tình hình trong năm 2023 còn khó hơn, nếu thực hiện tăng thuế xuất khẩu clinker lên 10% thì doanh nghiệp sản xuất không chịu nổi.

Trên thực tế, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng, clinker có thể giải quyết được bài toán dư cung hiện nay. Song đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa trên việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo.

Cụ thể, hiện sản xuất xi măng, clinker đang sử dụng nguyên liệu chính là đá vôi, đá sét, các phụ gia quặng giàu sắt và một lượng lớn nhiên liệu là than, điện. đều là các tài nguyên không thể tái tạo. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam hiện đang sử dụng diện với giá thấp.

Trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 cũng định hướng hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030 cần hạn chế xuất khẩu và tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế. Giai đoạn 2031-2050 cần hạn chế xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 20% tổng công suất thiết kế.

VNCA cho rằng, nếu Chính phủ đồng ý lùi thời hạn thực hiện thuế xuất khẩu clinker thì đây cũng chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn. Với công suất thiết kế các dây chuyền hiện có hơn 110 triệu tấn xi măng/năm, nhưng tiêu thụ nội địa chỉ dưới 65 triệu tấn, dư cung lớn tiếp tục tạo sức ép lớn với các nhà sản xuất. Do đó, xuất khẩu vẫn là sự lựa chọn gần như duy nhất.

Bước sang năm 2023, một vấn đề nữa mà ngành xi măng phải đương là xuất khẩu khó hơn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, áp dụng các hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển cao.

Khi thuế, chi phí tăng lên, giá xuất khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, các quốc gia nhập khẩu mặt hàng này sẽ càng phải cân nhắc nhiều hơn để lựa chọn nhập khẩu từ quốc gia nào có giá thành hợp lý nhất. Điều này dự báo kênh xuất khẩu trong những năm tiếp theo không có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Chủ đề: Doanh nghiệp xi măng,
Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.