31/03/2021 10:02 AM
CafeLand - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ kế hoạch và Đầu tư) vừa có báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 và quý 1/2021.

Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Cục này, trong quý 1/2021, có 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, các ngành chịu tác động bởi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới.

Dẫn đầu trong các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là kinh doanh bất động sản với 1.733 doanh nghiệp (tăng 27,1%).

Tiếp theo là các ngành Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 397 doanh nghiệp (tăng 16,4%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 214 doanh nghiệp (tăng 12%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 472 doanh nghiệp (tăng 10,8%); Khai khoáng có 153 doanh nghiệp (tăng 7%) và Vận tải kho bãi có 1.366 doanh nghiệp (tăng 6%).

Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 13,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 4,1%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý 1/2021 là 14.738 doanh nghiệp, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo lĩnh vực, số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong quý giảm ở 08/17 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 130 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2020; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 723 doanh nghiệp, chiếm 4,9%, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Cụ thể, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý 1 là 40.323, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 23.837 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 59,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Để đánh giá sơ bộ về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã thực hiện khảo sát nhanh doanh nghiệp tại 4 thành phố là Hà Nội, HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng với tổng số 350 doanh nghiệp.

Trong số doanh nghiệp khảo sát, có 24,2% doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh, trong đó có 75,3% các doanh nghiệp tạm ngừng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 9,4% doanh nghiệp tạm ngừng để tái cơ cấu doanh nghiệp.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số 350 doanh nghiệp, có 215 doanh nghiệp được hỏi có doanh thu giảm so với năm 2019 (chiếm 64,2%), 72 doanh nghiệp có doanh thu tăng so với năm 2019 (chiếm 21,5%).

Có 85% doanh nghiệp trả lời dịch bệnh Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, các khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp gặp phải, bao gồm: Thị trường tiêu thụ sụt giảm (chiếm 59,9%); Không thanh toán được các chi phí kinh doanh do thiếu nguồn thu (chiếm 59,5%); Khó khăn trong thanh toán lương/BHXH/BHYT/Bảo hiểm thất nghiệp (40,1%); Khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay (39,8%) và Khó khăn trong thanh toán chi phí thuê nhà xưởng, văn phòng, địa điểm kinh doanh (39,1%).

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.