04/03/2020 7:53 AM
CafeLand - GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đã đánh giá như trên tại buổi hội thảo mang chủ đề “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán nhà nước" diễn ra sáng 3/3.

Ảnh minh hoạ

Mặc dù các dự án PPP đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN) trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, nhưng thời gian qua có rất nhiều vấn đến liên quan đến công tác quản lý, điều hành, khai thác các dự án PPP gây không ít bức xúc trong dư luận.

Điển hình như việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, giá thành xây dựng thấp và thời gian hoàn vốn hợp lý nhất.

Quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện vẫn còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án. Tiến độ góp vốn của các nhà đầu tư chưa như cam kết nhưng thiếu chế tài xử lý. Việc tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện dự án chưa thật sự nghiêm túc.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, thời gian qua, KTNN đã đi sâu vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó có kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án theo hình thức PPP thời gian qua là do hành lang pháp lý có những khoảng trống và chồng chéo, các quy định pháp lý chi tiết liên quan đến dự án PPP còn chưa rõ ràng…

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí và thách thức trong thực hiện dự án PPP là do không được thanh tra, kiểm toán kịp thời.

Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu nên giảm tính cạnh tranh và thiếu minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí do chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát (các đơn vị thầu phụ) dẫn tới việc không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát.

Để chống thất thoát, lãng phí trong các dự án PPP, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng, Quốc hội cần sớm ban hành Luật PPP.

Trong đó, Nhà nước tập trung nghiên cứu lựa chọn các dự án tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao để thực hiện theo mô hình PPP; tăng cường tính minh bạch trong tất cả các khâu của dự án, đảm bảo công khai thông tin về dự án; tăng cường giám sát và kiểm soát các hợp đồng dự án trên nguyên tắc tôn trọng các thỏa thuận của Nhà nước và các nhà đầu tư.

Để các dự án PPP hoạt động hiệu quả, cần phải phát huy vai trò của kiểm toán nói chung và KTNN nói riêng. Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, trách nhiệm của KTNN cần kiểm toán toàn bộ dự án như các dự án đầu tư công chứ không chỉ đơn thuần kiểm toán phần tài chính công, tài sản công để tránh thất thoát tài sản và ngân sách của Nhà nước.

Theo vị này, các dự án PPP về bản chất là hoạt động đầu tư nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó cho phép doanh nghiệp thực hiện dự án được thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

“Nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì khó có thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình như thế nào là phù hợp...”, ông Hiền nhấn mạnh.

Chủ đề: Dự án ppp là gì?
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.