01/03/2016 10:21 PM
Siêu dự án được đầu tư 15 nghìn tỷ đồng tại khu vực Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) đang là điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên bên ngoài vẻ hào nhoáng của một “siêu dự án” bên trong ẩn chứa nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật xây dựng, vẫn chưa được chủ đầu tư quan tâm!



Lễ động thổ được tổ chức hoành tránh với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao.

Ngày 17/2, tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ động thổ khởi công "siêu dự án" xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc với sự tham gia của nhiều lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Theo công bố, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 15 nghìn tỷ đồng gồm nhiều công trình, hạng mục và được đầu tư trong 20 năm, theo hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ năm 2016 đến năm 2020, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống đường vào Hồ Núi Cốc dài 21km, hệ thống đường quanh hồ khoảng 35km, hệ thống đường kết nối với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa Thái Nguyên; hệ thống hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thay thế Hồ Núi Cốc nhằm giữ cốt nước bảo đảm cảnh quan Hồ Núi Cốc; xây dựng cổng vào Khu du lịch; xây dựng khu đền thờ và khu Chùa Tháp cao 150m; xây dựng đền thờ Tam Thánh và các hạng mục phụ trợ; xây dựng khu trung tâm đón tiếp, bến thuyền, bến xe điện.

Dự kiến các hạng mục đầu tư trong giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2019 và bắt đầu tổ chức đón khách du lịch, phật tử và nhân dân lễ phật và chiêm bái cảnh quan du lịch trong năm 2019.

Giai đoạn 2 của dự án dự kiến thực hiện trong 15 năm từ năm 2020 đến năm 2035. Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu vui chơi, giải trí, khu tiểu cảnh quanh hồ; hệ thống khách sạn, khu Resort cao cấp, khu nghỉ dưỡng cho mọi tầng lớp nhân dân và du khách thập phương. Mục tiêu chung của dự án là kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt là du lịch tâm linh và du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là đơn vị Chủ đầu tư.

Tuy nhiên việc khởi công động thổ đối với “siêu dự án” tâm linh này còn nhiều chuyện đáng bàn bởi các quy định liên quan đến pháp luật xây dựng và các yếu tố tác động khác về tài nguyên môi trường, thủy lợi và an ninh quốc phòng xung quanh khu vực.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù hiện nay dự án đã được tỉnh Thái Nguyên cho khởi công động thổ rầm rộ, tuy nhiên Bộ Xây dựng là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về xây dựng vẫn chưa hề nhận được bất kỳ một văn bản hay một chút thông tin chính thức gì về dự án.

Nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải về Lễ động thổ và quy mô dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Về phía Bộ Xây dựng chưa nhận được bất kỳ một văn bản có liên quan đến dự án từ phía chủ đầu tư. Theo quy định của pháp luật thì dự án có quy mô vốn 15 nghìn tỷ đồng là thuộc dự án nhóm A, do đó thiết kế cơ sở phải trình cơ quan chuyên môn thẩm quyền Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định. Vấn đề này được quy định theo Điều 57 của Luật Xây dựng quy định về thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng.

Theo đó, Điều 57 quy định đối với dự án quan trọng quốc gia thì Hội đồng thẩm định Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập có trách nhiệm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại Điều 58 của Luật này.

Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách thì thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng được quy định như sau: Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều 58 của Luật này. Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có), các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.

Đối với dự án sử dụng vốn khác thì thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng được quy định như sau: Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng. Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có), các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Dự án sử dụng vốn khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này do người quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định dự án. Dự án thực hiện theo các hình thức hợp đồng dự án, hợp đồng đối tác công tư có phần góp vốn của nhà nước do cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư thẩm định các nội dung khác trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng…

Dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định dự án hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng đã được đăng ký trên trang thông tin điện tử về năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Luật này để thẩm tra dự án làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt dự án. Chi phí thẩm tra, phí thẩm định dự án và thiết kế cơ sở được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định dự án trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định, thẩm tra dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, thẩm tra của mình. Tổ chức, cá nhân lập dự án không được tham gia thẩm định, thẩm tra dự án do mình lập.

Ngoài ra ông Bùi Trung Dung cũng cho rằng: Đối với các dự án có yếu tố đặc thù, thì còn phải thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Di sản văn hóa và các quy định về tài nguyên môi trường, thủy lợi, nguồn nước. Riêng về góc độ Bộ Xây dựng là cơ quan chuyên môn về xây dựng, chưa nhận được yêu cầu thẩm định thiết kế cơ sở của dự án này.

Bởi việc khởi công xây dựng dự án đã được quy định cụ thể ở Điều 107 Luật Xây dựng quy định về điều kiện khởi công xây dựng công trình. Trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện đủ các quyết định tại Điều 107 của Luật Xây dựng thì chủ đầu tư đã vi phạm Điều 12 của Luật Xây dựng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi khởi công xây dựng dự án. Trường hợp này chủ đầu tư đã vi phạm Điều 12 của Luật Xây dựng thì đó là một hành vi vi phạm xây dựng nghiêm trọng.

Vũ Chiến (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.