Năm 2004, KCN Hưng Phú 1 được thành lập với diện tích 282 ha do Công ty Phát triển Hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau bốn năm thực hiện, đến năm 2008, công ty này chỉ giải tỏa được hơn 21 ha và tiến hành xây dựng hạ tầng. Sau đó, công ty này chuyển giao đầu tư toàn bộ KCN Hưng Phú 1 cho Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ. Từ đó đến nay, Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ chỉ thương lượng bồi thường đất đai, hoa màu được gần 30 ha nhưng không liền mảnh, tiến độ xây dựng ì ạch. Vì thế, đầu năm 2015, TP Cần Thơ thu hồi 110 ha của KCN này giao cho nhà đầu tư khác. Riêng KCN Hưng Phú 2A (134 ha) do Công ty cổ phần Ðầu tư Thương mại Xây lắp BMC (Bộ Công thương) đầu tư và KCN Hưng Phú 2B (hơn 62ha) do Công ty Phát triển Hạ tầng KCN Cần Thơ đầu tư bị bỏ hoang nhiều năm, khiến cuộc sống hàng trăm hộ dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thiệp, ở khu vực Thạnh Hưng, phường Phú Thứ, có hơn năm công đất nằm trong quy hoạch KCN Hưng Phú 2B, cho biết: "Chủ đầu tư nhiều lần vào kiểm kê đất đai, hoa màu để bồi thường, nhưng đợi mãi không thấy đâu. Do nằm trong quy hoạch, nên nhà cửa xuống cấp cũng không được sửa, đất đai không thể canh tác do không có nguồn nước vì kênh rạch bị san lấp. Bí quá, tôi phải mượn 500 m2 đất trống bên hành lang đường dẫn vào KCN để trồng hoa màu".
Khổ nhất là hàng chục hộ dân sống hai bên rạch Xẻo Dừng (khu vực Thạnh Thắng, phường Phú Thứ). Ngoài sống trong tình trạng quy hoạch treo nhiều năm, việc đền bù đất đai và tài sản trên đất cũng bị treo theo, người dân còn phải sống chung với ô nhiễm nặng nề do khu xử lý rác tạm của Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ tập kết ngay đầu con rạch. Hằng ngày, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nước từ bãi rác chảy xuống rạch đen ngòm, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, trong khi hệ thống cấp nước sạch chưa được đầu tư vì nằm trong quy hoạch. Chị Lê Thị Tím ở rạch Xẻo Dừng bức xúc: "Sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước, không khí lâu ngày, người dân hai bên rạch, đặc biệt là trẻ nhỏ thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp, nhiều hộ có nhà phải dọn đi ở trọ nơi khác. Tôi mong muốn, nếu quy hoạch KCN thì sớm thực hiện, còn không xóa bỏ quy hoạch, di dời bãi rác để người dân làm ăn, sinh sống".
Trước những bức xúc của người dân, HÐND quận Cái Răng nhiều lần đề xuất TP Cần Thơ thu hồi hoặc điều chỉnh thu hẹp quy mô các KCN, trả lại đất cho người dân, nhưng vẫn chưa được quan tâm xử lý. Nguyên nhân tiến độ xây dựng các KCN Hưng Phú ì ạch do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế, khiến việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó, trong khi việc bố trí tái định cư chưa được coi trọng (khu tái định cư ở xa, cơ sở hạ tầng không đồng bộ).
Mặc dù quy hoạch các KCN Hưng Phú ở vị trí thuận lợi, nằm ven sông Hậu, cách cảng Cái Cui một km, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng năm km, có trục đường Quang Trung - Cái Cui, nhưng việc thu hút đầu tư vào các KCN rất khó khăn do suất đầu tư lớn, chi phí thuê đất cao từ 70 đến 100 USD/m2đất/vòng đời dự án, cao gấp hai đến ba lần so với KCN ở các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long. Bên cạnh đó, khi đầu tư vào đây, các doanh nghiệp không được hưởng các ưu đãi vì Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, trong khi cơ sở hạ tầng các KCN vẫn chưa đồng bộ.
Nhiều chuyên gia đề xuất, TP Cần Thơ có thể chuyển hình thức từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đối với hai KCN (do Nhà nước đầu tư) đã lắp đầy là Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 để có tiền đầu tư vào các KCN Hưng Phú. Ðiều này có lợi từ nhiều phía, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ chủ trương. Ðây là đề xuất khả thi trong điều kiện nguồn lực đầu tư phát triển của TP Cần Thơ còn khó khăn.
Ðể đẩy nhanh tiến độ xây dựng các KCN Hưng Phú, TP Cần Thơ cần điều chỉnh thu hẹp quy mô, lĩnh vực thu hút đầu tư các KCN phù hợp thực tiễn. Sau đó, sử dụng ngân sách hay kêu gọi doanh nghiệp có năng lực tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng cho doanh nghiệp thuê vì phù hợp xu thế của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp khi đầu tư vào các KCN, khu kinh tế; có cơ chế chính sách đặc thù cho TP Cần Thơ với vai trò và vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị để Cần Thơ thật sự trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội. VÕ THANH HÙNG Giám đốc Ban quản lý các KCN và khu chế xuất TP Cần Thơ |
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...
-
VICEM xin tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “đắp chiếu” hơn chục năm trên đất vàng Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM....