Trước đây, việc vay ngân hàng mới để trả nợ cũ chỉ được áp dụng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, từ 1/9, Ngân hàng Nhà nước cho phép khách cá nhân vay tiêu dùng, bất động sản cũng được vay tại ngân hàng mới để trả nợ nhà băng cũ.
Đang phải đi vay với lãi suất cao tại một ngân hàng tư nhân ở TP HCM, anh Nguyễn Minh Hà cho biết phấn khởi trước chính sách mới này, hy vọng chuyển qua được ngân hàng mới vay lãi suất rẻ hơn, giảm áp lực tiền lãi phải trả hàng tháng.
Anh Hà cho biết hai năm trước có mua bất động sản thuộc một dự án tại Long An và được chủ đầu tư chỉ định vay vốn qua ngân hàng đối tác. Năm đầu tiên, anh được hưởng ưu đãi lãi suất và ân hạn trả nợ gốc nên áp lực trả nợ không đáng kể. Nhưng từ năm thứ hai, khoản vay của anh Hà chịu lãi suất thả nổi 13,5% một năm, có lúc lên tới 14,5% khiến chi phí trả gốc lãi hàng tháng thành gánh nặng trong bối cảnh thu nhập kém hơn trước.
Hôm qua, anh đã tham khảo nhân viên tín dụng của BIDV - một trong 3 nhà băng quốc doanh tung chính sách cho vay lãi suất thấp trả nợ ngân hàng khác, được tư vấn gói vay lãi suất thấp hơn 3-6% một năm so với khoản vay hiện tại.
Theo đó, nhân viên tư vấn lãi suất ưu đãi 6,8% trong 6 tháng hoặc 7,3% trong năm đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, khoản vay quay về mức lãi suất thả nổi, hiện, khoảng 10,5%, vẫn thấp hơn 3% so với nhà băng tư nhân mà anh đang vay.
Anh ước tính mình có lợi hơn nhiều về dòng tiền nếu được ngân hàng mới cho vay. "Tôi chấp nhận mất khoản phí khoảng 35 triệu đồng để chuyển sang ngân hàng mới, gồm phí phạt trả nợ trước hạn ở ngân hàng cũ là 3% và 6 triệu đồng mua bảo hiểm khoản vay ở ngân hàng mới", anh Hà cho biết.
Bởi với phương án lãi suất ưu đãi trong năm đầu, anh ước tính giảm được khoảng 50 triệu tiền đóng lãi trong năm tới so với ngân hàng cũ. Chưa kể về lâu dài, anh Hà cũng giảm được áp lực trả lãi hàng tháng vì lãi suất thả nổi ở ngân hàng mới thấp hơn 3% so với nhà băng cũ.
Không chỉ anh Hà, một số người khác cho biết cũng đã đến ngân hàng để tìm hiểu về gói vay này.
Giao dịch tại một ngân hàng thương mại: Ảnh: Thanh Tùng
Hiện tại, có 3 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank đang triển khai chính sách "cho vay mới trả nợ cũ" và áp dụng lãi suất thấp hơn so với nhóm tư nhân.
Tại Vietcombank, lãi suất ưu đãi từ 6,9% một năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5% một năm trong 12 tháng đầu hay 8% một năm trong hai năm đầu. Sau thời gian ưu đãi trên, Vietcombank sẽ áp dụng mức lãi suất thả nổi, hiện dao động quanh 10,5%.
Với BIDV, lãi suất khoản vay ngắn hạn có mức ưu đãi thời gian đầu từ 6% một năm. Khoản vay trung dài hạn, lãi suất ưu đãi thời gian đầu từ 6,8% một năm. Còn VietinBank ưu đãi lãi suất từ 7,5% cho vay tiêu dùng.
Ngoài ra, một số nhà băng tư nhân khác như MB, Techcombank cũng áp dụng chương trình này với thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng cũ, có thể ân hạn trả nợ gốc trong tối đa hai năm đầu.
"Chính sách mới về cơ bản không làm tăng dư nợ của toàn hệ thống nhưng giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, tăng cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng để hút khách", lãnh đạo một nhà băng chia sẻ.
Trông chờ vào chính sách mới, tuy nhiên anh Nguyễn Minh Hà nói không dễ để được ngân hàng mới cho vay. Anh cho biết khoản vay của mình có giá trị dưới 1 tỷ đồng, trước đó đã bị một nhà băng tư nhân từ chối cho vay theo chương trình này. Giờ anh tìm đến BIDV, nhưng cũng gặp trở ngại là tài sản đảm bảo đang thế chấp là bất động sản tại tỉnh, dự kiến bị định giá thấp xuống khiến dư nợ cho vay thấp hơn so với khoản vay tại nhà băng cũ.
Một khách hàng khác cũng cho biết định rút khoản nợ từ ngân hàng cũ nhưng phải chịu một khoản phí phạt trả nợ trước hạn khá cao, đến 3%. Ngoài ra, chị phải đóng những chi phí khác như phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, bảo hiểm cho khoản vay mới...
"Tất cả những khoản này cộng lại khiến cho việc chuyển sang vay ngân hàng khác cũng không mang nhiều khác biệt lớn về chi phí trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian", chị nói.
Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng quốc doanh tại TP HCM cho biết sau nửa tháng triển khai, chi nhánh ông chưa phát sinh hồ sơ nào trong diện này. Ngoài việc khách hàng cần làm đơn yêu cầu trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ, thủ tục cho vay sẽ tương tự như giải ngân khoản vay mới. Ngân hàng sẽ thẩm định tài sản đảm bảo lại từ đầu, kể cả khách hàng dùng tài sản đang được thế chấp tại nhà băng cũ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay mới.
Đa phần khách hàng tìm đến phương án "vay mới trả cũ" này đều có nhu cầu dùng chính tài sản đang thế chấp cho khoản vay cũ để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay mới. Tuy nhiên, khẩu vị rủi ro của mỗi nhà băng là khác nhau.
Giám đốc chi nhánh nhà băng quốc doanh này cho hay, loại tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai như nhà đất chưa có sổ hồng, sổ đỏ khó thuộc vào diện xem xét cho vay. Việc thẩm định lại giá trị tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản trong thị trường hiện tại cũng có thể khiến định giá suy giảm, kéo theo dư nợ cho vay thấp hơn khoản cũ.
Bên cạnh đó, giá trị khoản vay cũng là một yếu tố mà ngân hàng cân nhắc. Do phát sinh các thủ tục nên một số ngân hàng lớn sẽ không quá mặn mà với khoản vay cá nhân giá trị thấp.
Nhân viên tín dụng tại một ngân hàng "Big 4" khác tại TP HCM cho biết đến nay anh chưa ký được hợp đồng nào trong diện cho vay mới trả nợ cũ này. Nhà băng nơi anh làm việc ưu tiên nhận tài sản đảm bảo khác với tài sản đang thế chấp. Bên cạnh đó, khách hàng từng có lịch sử quá hạn quá 10 ngày hoặc từng phải cơ cấu gốc do dịch bệnh cũng không được áp dụng chương trình chuyển nợ được.
-
Bất động sản 24h: Từ 1/9, người mua nhà được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác
Người mua nhà có thể đến ngân hàng có lãi suất thấp hơn vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác; Tạm dừng mọi giao dịch tại khu “đất vàng” 132 Bến Vân Đồn để phục vụ điều tra; TP.HCM mở thêm 3 tuyến đường sắt đô thị đi sân bay, Cần Giờ và Bình Dương... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
-
Hé lộ các nhà băng khả năng được nới room tín dụng lần 2
Ngày 28/11/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng từ 80% hạn mức được cấp. Đây là lần cấp hạn mức tín dụng bổ sung thứ 2 trong năm 2024 (lần 1 vào tháng 8/2024) với quyết tâm hoàn thành mục ...
-
Vì sao ngân hàng “trải thảm”, doanh nghiệp vẫn than không vay được?
Các công ty mà không vay được để sản xuất kinh doanh không phải vì ngân hàng không cho vay mà do bản thân doanh nghiệp không muốn vay.
-
Hé lộ hai ngân hàng được cấp room tín dụng lên tới 24% trong năm 2023
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết có hai ngân hàng được giao hạn mức (room) tín dụng cao hơn so với ngành lên tới 24% là MBBank và VPBank....