Động
thái đáng chú ý nhất sau khi Vihajico chiết khấu giá căn hộ là Công ty
cổ phần Sông Đà Thăng Long “tặng” khách mua căn hộ Usilk City 18-35 m2
trung tâm thương mại, nếu khách hàng đồng ý đóng hết tiền mua căn hộ
ngay lập tức. Mặc dù đây là hình thức giảm giá căn hộ gián tiếp, nhưng
khác với Vihajico, Sông Đà Thăng Long đã bán hết căn hộ Usilk và cần
tiền để thanh toán nợ ngân hàng, nên mới “khuyến mãi” cho một nhóm
khách hàng nhằm thu tiền ngay, chứ không phải chiết khấu để bán thêm
căn hộ.
Ông
Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản Cen
Group đánh giá, quyết định giảm giá của Vihajico rất táo bạo, bởi đây
là điều mà các chủ đầu tư khác ở Hà Nội không dễ làm được. Trên thực
tế, những dự án nào đã thiết lập giá và tung hàng ra bán thì chủ đầu tư
sẽ không giảm giá, dù không bán tiếp được hàng, vì nếu tuyên bố giảm
thì sẽ buộc phải giảm giá cho người đã mua.
Ở
một khía cạnh khác, nhìn trên bản vẽ thì nguồn cung căn hộ ở Hà Nội có
vẻ rất nhiều, nhưng trên thực tế, nguồn cung rơi vào một số ít “đại
gia” bất động sản như Vincom, Nam Cường, Sông Đà Thăng Long hay HUD và
nếu những “đại gia” này không giảm giá thì các chủ đầu tư khác cũng
không vội giảm. Vì thế, các chủ đầu tư thường lựa chọn cách giảm giá
gián tiếp như giãn tiến độ đóng tiền, chiết khấu cho nhóm khách hàng
hoặc khách mua nhiều căn hộ, hoặc hỗ trợ lãi suất, chứ không giảm trực
tiếp trên hợp đồng như Vihajico.
Còn
theo ông Bùi Tiến Hùng, Phó tổng giám đốc Vihajico, không đơn thuần cứ
nói giảm giá căn hộ là giảm được ngay. Để giảm được giá bán căn hộ Rừng
Cọ, chủ đầu tư đã phải cân nhắc rất kỹ, bởi vì chi phí đầu tư cho một
dự án căn hộ trong khu đô thị sinh thái cao hơn so với xây dựng chung
cư thông thường.
Theo
ông Hùng, với cách thiết kế, chất lượng xây dựng như Rừng Cọ, thì việc
đưa ra mức giá từ 18 triệu đồng/m2 là sự cố gắng rất lớn của chủ đầu
tư. Trên thị trường Hà Nội hiện nay, khó có thể tìm được dự án căn hộ
nào đang xây dựng có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2. Căn hộ tầm trung
như The Pride, Lê Văn Lương Residentials ở quận Hà Đông cũng đều có giá
22-24 triệu đồng/m2, còn các căn hộ cao cấp như Madarin Garden, Thăng
Long Number One ở khu vực Mỹ Đình đều có giá từ 40 đến 50 triệu
đồng/m2. Thậm chí, căn hộ ở Linh Đàm hay Mỹ Đình, dù đã được đưa vào sử
dụng 5-7 năm nay, nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng, từ 35-40 triệu
đồng/m2. Nếu so sánh, tìm hiểu kỹ về thiết kế, chất lượng thi công, quy
mô tổng thể dự án, thì mới có thể lý giải được tại sao có căn hộ chỉ 15
triệu đồng/m2 và tại sao có căn hộ giá 30 triệu đồng/m2.
Ông
Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển nhà Từ Liêm
cho rằng, giá bán căn hộ ở Hà Nội cao là do chi phí đất đai và đền bù,
giải phóng mặt bằng tăng rất mạnh trong thời gian gần đây. Nhưng quan
trọng hơn, thời gian từ lúc làm thủ tục dự án đến lúc xây dựng xong căn
hộ cũng phải mất 5-7 năm. Vì thế, thoạt nhìn, cứ tưởng với mức giá hiện
nay thì các chủ đầu tư lãi lớn, nhưng nếu chia đều lợi nhuận cho các
năm thì lãi cũng không cao. Đó là chưa kể đến việc nhiều chủ đầu tư
thiếu vốn, buộc phải “bán lúa non” căn hộ bằng hình thức góp vốn với
giá thấp, nên buộc phải bán những sản phẩm còn lại với giá cao để bù
lại.
Người mua nhà mong muốn giá nhà được giảm nhiều là lẽ đương nhiên, nhưng các chủ đầu tư cũng phải tính toán kỹ lưỡng trong bối cảnh thị trường như hiện nay. Thật sự, giảm giá tiếp hay không là bài toán khó đối với rất nhiều chủ đầu tư.