Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) đang phải chịu nhiều tác động mạnh do những biến động thị trường, các dự án căn hộ đất nền dự án đang giảm giá hoặc giảm tiến độ thì nhiều dự án bất động sản thương mại trong lĩnh vực bán lẻ vẫn đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn cả nước và thu hút được không ít sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Theo đánh giá chung của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng về ngành hàng bán lẻ ấn tượng với tỷ lệ tăng hàng năm trên 30%. Hơn nữa, Việt Nam còn sở hữu một lượng dân số trẻ nên xu hướng tiêu dùng và các họat động mua sắm tại các khu trung tâm thương mại cũng phát triển rất mạnh. Điều này tạo cơ hội cho các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới cũng như nhiều đơn vị nội địa khi tham gia đầu tư, đặc biệt sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO.


Keangnam Hà Nội Lankmark Tower đáp ứng nguồn cung về mặt bằng cao cấp

Ông Ailen Hoài Nam, Phó CT HĐQT – TGĐ Techcovinainvest khẳng định: “Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất châu Á, thậm chí còn hơn Hàn Quốc, tôi cho rằng năm 2011 thị trường bất động sản thương mại Việt Nam sẽ là một thị trường đầy tiềm năng và có nhiều cơ hội”.

Chỉ tính riêng địa bàn thành phố Hà Nội, theo ước tính năm 2011 tổng diện tích sàn bán lẻ tại thủ đô sẽ tăng thêm khoảng 228.000 m2 so với năm 2010, đến năm 2012 dự kiến sẽ tăng khoảng 328.000 m2 và đến năm 2013 xu hướng cung mặt bằng bán lẻ có xu hướng giảm và đạt khoảng 220.000 m2. Những số liệu trên phần nào phản ánh được thế mạnh của phân khúc thị trường này. Tuy nhiên theo đánh giá chung, nguồn cung mặt bằng cho các dự án thương mại trong lĩnh vực bán lẻ hiện nay vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của các nhà đầu tư nhất là các khu vực trung tâm nội thành, khi công suất cho thuê ở các khu trung tâm mua sắm luôn ở mức cao gần 100%. Thêm vào đó là các vấn đề thủ tục hành chính còn tồn đọng nhiều trở ngại và đặc biệt là cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương vẫn chưa được đồng bộ hóa. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phát triển của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Đào Anh Tú, trưởng phòng Marketting siêu thị Ebest Quang Trung, Hà Nôi cho hay: “Hiện nay các thành phố lớn cũng như các trung tâm lớn kinh doanh siêu thị điện máy, để có thể có được diện tích mặt bằng lớn phù hợp với việc kinh doanh mặt hàng này cũng là một vấn đề khó khăn, đó chưa nói đến chi phí thuê”.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội cho rằng: “Đối với vấn đề mặt bằng gặp trở ngại lớn đó là quy hoạch và bàn giao cho đúng đơn vị bán lẻ, hiện tại mặt bằng đang bị chia 5 xẻ 7.”

Ông Ailen Hoài Nam nhận định: “Nguyên nhân chính làm cho chủ đầu tư trong và ngoài nước đầu tư một cách thận trọng đó là do cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đồng đều. Để thị trường BĐS thương mạiViệt Nam phát huy được sức hút mạnh mẽ, phát huy được tiềm năng theo tôi trước hết phải nhất quán về chính sách kêu gọi và ưư đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp đến là việc quản lý về lạm phát nhất là giá đô la Mỹ để bảo vệ các nhà đầu tư trong nước, bên cạnh đó cần phải nâng cấp hạ tầng, hỗ trợ giao thông”.

Tương lai gần, BĐS thương mại sẽ là phân khúc nóng bỏng nhất của thị trường. Đây có thể coi là nền tảng cho thị trường bán lẻ trong nước đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, mặt bằng giá cả đối với phân khúc BĐS thương mại Việt Nam hiện nay không hẳn là yếu tố quan trọng chi phối tới nguồn cung của thị trường hay tác động đến quyết định của các nhà đầu tư mà chính việc nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng cũng như việc minh bạch các chính sách và thủ tục hành chính sẽ là định hướng cơ bản trong chiến lược phát triển của phân khúc thị trường này.

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland