Giai đoạn 2010 – 2011, bất động sản Đông Anh được ví như đang ở thời kỳ “hoàng kim” khi chỉ trong một năm, giá đất một số xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc tăng từ 80 – 90%, có nơi tăng đột biến trên 100%.
Nguyên nhân đến từ việc giới đầu tư “đón sóng” hạ tầng cầu Nhật Tân, Đông Trù nên gom tiền ôm đất, đẩy giá đất khu vực này tăng cao. Song chỉ một thời gian ngắn, khi thị trường rơi tự do, nhóm đầu cơ này đã phải tháo chạy và tìm mọi cách để “thoát” hàng.
Cho đến giai đoạn 2014 – 2015, khi hai cây cầu nói trên chính thức thông xe, nhà ga T2 và tuyến đường 5 được hoàn thiện, bất động sản khu vực này lại rục rịch tăng giá.
Tuy nhiên, thời điểm này, do thị trường còn cảnh giác bởi cơn sốt đất trước đó, nên giá đất không tăng cao. Giá đất thổ cư tại Đông Anh chỉ tăng nhẹ ở mức 3 - 7 triệu đồng/m2, tương đương 10-15%. Khu vực đầu cầu Nhật Tân có giá đắt nhất lên tới 60 - 70 triệu đồng/m2. Những lô đất trong ngõ rộng tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Hội, Đông Trù có giá từ 20-30 triệu đồng/m2.
Đầu năm 2019, thị trường đất nền Đông Anh lại một lần nữa rơi vào cơn sốt trước thông tin huyện này sẽ lên quận vào năm 2020.
Khảo sát của CafeLand thời điểm đó ghi nhận, đất nhiều khu vực xã Vĩnh Ngọc, nơi tiếp giáp với cầu Nhật Tân, trục đường Võ Nguyên Giáp – Nội Bài được chào bán với giá tới 200 triệu đồng/m2.
Ảnh minh hoạ.
Đất ở khu vực thị trấn Đông Anh có giá từ 100-200 triệu đồng/m2, đất ở mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp (huyện Đông Anh) cũng được rao bán với giá 180-200 triệu đồng/m2, cao bằng giá đất mặt tiền ở phố lớn các quận nội thành.
Gần đây nhất, ngay sau sự kiện động thổ dự án thành phố thông minh quy mô 4,2 tỉ đồng, nhiều môi giới đã bắt đầu tận dụng sức nóng của dự án này để đẩy mạnh quảng cáo các lô đất nền, đất thổ cư lân cận.
Điều này khiến giới đầu cơ lo ngại đất nền khu vực này sẽ lại lên cơn sốt bất thường thêm một lần nữa.
Tại buổi họp báo công bố thị trường bất động sản quý 3-2019 diễn ra ngày 11/10, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng việc triển khai khu đô thị vốn là những thông tin tích cực, khiến giá bất động sản khu vực lân cận có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, riêng với trường hợp của Đông Anh, sau khi BRG khởi công dự án thành phố thông minh, việc tăng giá sẽ không đáng kể bởi thực tế, đất Đông Anh đã được đẩy lên rất cao, thậm chí cao hơn giá trị thật từ trước đó.
Theo ông Đính, trường hợp tăng giá quá cao có chăng là sốt ảo. Dẫn chứng từ việc khảo sát nhiều mảnh đất trong làng, trong ngõ, ông Đính cho biết, mỗi mảnh được rao bán với từ mức 20 triệu đồng/m2. Theo ông, mức giá này là vô lý, có dấu hiệu sốt ảo, thị trường sẽ không kích thích các nhà đầu tư kinh doanh thật, mà chủ yếu thu hút giới đầu cơ tạo sóng.
“Việc đẩy giá đất lên nữa cũng không có ý nghĩa khi giao dịch thực tế tại các vùng này không nhiều”, ông Đính nói.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội, cũng cho rằng giá đất Đông Anh đã biến động từ khoảng hai năm trở lại đây, bởi sự cải thiện về mặt hạ tầng cùng xu hướng chuyển dịch đầu tư từ phía tây thành phố sang các khu vực phía tây bắc hay phía bên kia sông Hồng, chứ không phải chỉ tăng sau khi khởi công đại dự án đô thị thông minh.
Theo bà An, thành phố thông minh chỉ là một trong những dự án đang được lên kế hoạch triển khai ở Đông Anh. Dự án này, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông sẽ là những yếu tố triển vọng của thị trường đất nền khu vực này nhưng sẽ không tác động nhiều đến việc tăng giá.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở miền Bắc và miền Trung của Savills Việt Nam, phân tích trên con đường chính dẫn đến Đông Anh vốn chỉ có bấy nhiêu đất, những người đã mua thì mua được rồi, còn những người đang có nhu cầu mà không mua được thì chắc chắn người bán sẽ đưa ra một mức giá không liên quan đến mức giá người ta đã mua trước đó. Lúc này câu chuyện lại nhìn ở góc độ “nói thách”.
Do đó, ông Hiển cho rằng, khách hàng nên có sự tìm hiểu kỹ. Giá trên mạng chỉ là giá chào bán, giá giao dịch thực tế bao nhiêu mới là điều cần phải biết.
-
Đất ven đô Hà Nội sốt thật hay sốt ảo?
Đất ven đô ở các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) đang được rao bán với giá cao ngất ngưởng, kể từ khi thông tin các huyện này sắp “lên quận”.
-
Bất ngờ với giá đất nền các tỉnh sau đỉnh sốt, liệu đã đến lúc để mua vào?
Theo VARS, nhiều địa phương đã bắt đầu xuất hiện giao dịch đất nền trong quý 3. Tuy nhiên, giá đất nền chủ yếu đi ngang, một số khu vực cắt lỗ mạnh từ 30 – 50%.
-
Tất tay mua đất ven đô, rao bán lỗ 8 tháng không ai hỏi
Nắm bắt thị hiếu của khách hàng về không gian sống sinh thái sau những đợt giãn cách do Covid-19, nhiều người đã không ngại vay hàng tỷ đồng để đầu tư đất ven đô Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra khá phũ phàng khi nhiều lô đất được rao bán nửa ...
-
Điều gì sẽ xảy ra với thị trường bất động sản khi bắt buộc giao dịch đất nền phải qua sàn?
Lâu nay bất động sản giao dịch qua sàn chủ yếu là sản phẩm hình thành trong tương lai, chưa có quyền sử dụng đất (QSDĐ). Loại hình này vẫn được chuyển nhượng một cách tự do, thiếu kiểm soát, dẫn đến nhiều hệ luỵ gây nhiễu loạn thị trường như đầu cơ, ...