20/11/2022 11:26 AM
2 dự án mới khép kín đường Vành đai 2 đoạn thuộc TP.Thủ Đức chỉ thi công khoảng 6km nhưng yêu cầu mức kinh phí lên tới 17.000 tỉ đồng, riêng chi phí GPMB cần khoảng 12.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư).

Sở GTVT TP.HCM mới đây đã báo cáo UBND TP trình lên HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án khép kín Đường Vành đai 2 với tổng vốn dự tính 17.000 tỉ đồng.

Hướng tuyến 2 dự án khép kín đường Vành đai 2 - TP.HCM

2 dự án này bao gồm: Đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại vị trí nút giao Bình Thái yêu cầu mức vốn gần 8.600 tỉ đồng; Đoạn 2 dài 2,8 km, từ nút giao nêu trên đến đường Phạm Văn Đồng ở ngã ba Linh Đông với vốn dự tính gần 8.600 tỉ đồng. Như vậy, với mỗi km của các dự án này yêu cầu mức kinh phí lên tới 2.800 tỉ đồng để thực hiện.

Trả lời báo chí, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết phần lớn chi phí để thực hiện 2 dự án này nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Cầu Phú Hữu

Cụ thể, với đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại vị trí nút giao Bình Thái; chi phí để xây dựng tuyến đường dài 3,5km là 1.600 tỉ đồng nhưng chi phí để GPMB lên tới 6.400 tỉ đồng (chiếm 74% vốn đầu tư dự án).

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại việc di chuyển từ cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái phải đi qua những tuyến đường nhỏ, xuống cấp, qua những khu đông dân cư. Do đó công tác GPMB để triển khai dự án sẽ không dễ dàng.

Nút giao Bình Thái

Còn đoạn từ nút giao nêu trên đến đường Phạm Văn Đồng ở ngã ba Linh Đông cũng yêu cầu mức kinh phí 5.500 tỉ đồng để GPMB cho tuyến đường dài 2,8 km, trong khi chi phí xây dựng chỉ khoảng 2.300 tỉ đồng.

Ngã Ba Linh Đông (đoạn giao với Phạm Văn Đồng)

Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho hay tổng mức đầu tư như trên mới là nghiên cứu làm cơ sở đề xuất chủ trương đầu tư. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng cũng được địa phương tạm tính dựa trên phạm vi, diện tích đất trong ranh dự án. Sau khi chủ trương được phê duyệt, các bên tiếp tục đo đếm, thống kê chi tiết hơn.

Theo các nghiên cứu ban đầu của cơ quan có thẩm quyền, khối lượng mặt bằng cần giải phóng để phục vụ thi công dự án rất lớn nên phải dự tính phương án vốn lớn. Bên cạnh đó, việc dự án đi qua khu vực đô thị nên mức chi phí để GPMB cũng cao hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn, đất nông nghiệp.

Nút giao thông Bình Thái (Xa lộ Hà Nội) thường xuyên xảy ra ùn tắc do lượng xe cộ lưu thông lớn

Đại diện Sở GTVT TP.HCM khẳng định, chi phí xây dựng đã có khung tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành, nhưng giải phóng mặt bằng tùy thuộc vào khu vực tuyến đi qua.

Về hạng mục triển khai, ở giai đoạn đầu, cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ theo quy hoạch, rộng 67m và làm trước đường song hành hai bên với tổng 6 làn xe. Phần đất trống ở giữa chưa triển khai trong thời gian đầu mà dự trữ để sau này xây dựng, khi nhu cầu đi lại tăng lên.

Trong giai đoạn này cũng sẽ xây dựng hoàn chỉnh các nút giao. Cụ thể:

Đoạn 1 sẽ thi công ngã tư Bình Thái thành nút giao hoa thị, với cầu vượt băng ngang xa lộ Hà Nội rồi chui dưới gầm tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Cầu vượt này được thiết kế hai chiều, mỗi chiều 5 làn xe cùng các nhánh rẽ. Đường song hành xa lộ Hà Nội đoạn qua nút giao cũng thiết kế đi dưới bằng hầm chui...

Cầu vượt băng ngang xa lộ Hà Nội mới sẽ chui dưới gầm tuyến Metro số 1

Đoạn 2 xây nút giao hoàn chỉnh, quy mô ba tầng tại Ngã ba Phạm Văn Đồng - Linh Đông. Trong đó, một cầu vượt với hai nhánh đi thẳng trên Vành đai 2, băng qua các tuyến Linh Đông, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, rạch Ngang. Cầu vượt thứ hai thiết kết nhánh rẽ từ Vành đai 2 (hướng sân bay Tân Sơn Nhất đi quốc lộ 1) cho hai làn xe. Cầu thứ ba theo đường Phạm Văn Đồng qua nút giao rồi chia thành hai nhánh nối vào các đường xung quanh.

Phối cảnh nút giao Phạm Văn Đồng - Linh Đông, thuộc đoạn 2 dự án Vành đai 2 (hình: Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông)

Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, dài hơn 64km, đến nay đã xong khoảng 50km. Ngoài 2 đoạn dự kiến được đề xuất đầu tư, tuyến này còn 2 đoạn khác dài hơn 8km chưa hoàn thành. Việc nhanh chóng khép kín 2 đoạn thuộc TP.Thủ Đức sẽ tạo động lực để triển khai các dự án còn dang dở, hoàn thành khép kín tuyến vành đai quan trọng của TP.HCM.

Hiện trạng dang dở của đoạn 3 Gò Dưa - Phạm Văn Đồng thuộc dự án Vành Đai 2 - TP.HCM

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.