09/11/2023 2:22 PM
Ngày 8/11/2023, Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.


Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, từ năm 2008, ngày 8/11 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Ngày Đô thị Việt Nam, trên cơ sở xem xét vai trò, ý nghĩa của đô thị đối với sự phát triển chung của quốc gia, cũng như hưởng ứng Ngày Quy hoạch đô thị thế giới và Ngày Đô thị hóa thế giới, nhằm thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển đô thị.

Ngày Đô thị Việt Nam 8/11 năm nay càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn Đô thị Việt Nam. Qua 20 năm, Diễn đàn đã thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi Chính phủ…qua đó góp phần tích cực vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý và phát triển đô thị, thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam.

Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh việc tổng kết những thành tựu đạt được của phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị, trở thành yêu cầu để tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa thời gian tới (chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập; năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới).

Để khắc phục các tồn tại trên và nhanh chóng đưa Nghị quyết 06-NQ/TW đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Bộ Chính trị đề ra nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam. Theo đó, từ nay đến năm 2030 đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Các chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc…Tầm nhìn đến năm 2045 xác định: tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tin tưởng Diễn đàn đô thị Việt Nam 2023 là cơ hội để các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay, nhằm hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra cho phát triển hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị một số định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam: chính quyền đô thị tại địa phương tăng cường quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn nhân lực và vật lực cho sự nghiệp phát triển đô thị, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa, phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội; cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm; các tổ chức, cộng đồng dân cư tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị, chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và Trung ương.

Trong quá trình này, Bộ Xây dựng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương trong việc hoàn thiện thể chế có liên quan đến phát triển đô thị và hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện các Chương trình hành động phát triển đô thị.


Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu lên những kết quả tích cực cũng như một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng và ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ở các địa phương, đồng thời đề nghị các chuyên gia, đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ một số nội dung như: tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW. đặc biệt lưu ý về yêu cầu xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu nêu trong Nghị quyết; đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, nhất là từ đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị, tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy liên quan cần sớm chỉ đạo tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị; tiếp tục hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về đô thị từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở theo yêu cầu nêu tại Nghị quyết.

Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái cho biết, nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng 5 Chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam về phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền; về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững; về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; về tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị.

Theo Cục trưởng Trần Quốc Thái, Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, thiết lập nền tảng để chuyển đổi sang mô hình quản lý phát triển đô thị dựa trên kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, quy định chuẩn hóa năng lực nghiệp vụ quản lý phát triển đô thị gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.

Tại Diễn đàn, bà Naomi Hoogervorst - đại diện UN-Habitat nhấn mạnh vai trò của các thành phố như chất xúc tác cho sự thay đổi bền vững, vì các thành phố hiện là nơi cư trú của hơn một nửa dân số toàn cầu. UN-Habitat hoan nghênh cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chương trình nghị sự, thể hiện rõ qua Nghị quyết số 06-NQ/TW và các bước thực tiễn được thực hiện thông qua Kế hoạch hành động quốc gia được ban hành vào năm 2022. Bên cạnh đó, UN-Habitat đánh giá cao việc các địa phương rất tích cực chuyển hóa Nghị quyết thành hành động cụ thể, nhất là sửa đổi các khuôn khổ pháp lý và tích hợp liền mạch các nguyên tắc bền vững vào các sáng kiến của Chính phủ.


Ông Hervé Conan phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Hervé Conan cho biết, đối với quy hoạch phát triển đô thị thích ứng, trước tiên cần xác định rõ các vùng rủi ro tự nhiên trong đô thị, sau đó cần hành động phù hợp, nghĩa là bảo tồn càng nhiều càng tốt những khu vực có thể gặp rủi ro từ việc xây dựng. Ông Hervé Conan đánh giá việc lựa chọn khu vực đô thị hóa rất quan trọng. Ngoài ra, cần lưu ý các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến các tỉnh và thành phố mà không tính đến ranh giới hành chính hiện tại.


Toàn cảnh Diễn đàn

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 diễn ra 3 hội thảo chuyên đề, về quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị; phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu.

Trần Đình Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.