04/08/2010 1:57 AM
Với các công ty đa quốc gia như Hewlett-Packard, Siemens hay Samsung, nền kinh tế nội địa có sụp đổ họ vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng.
Cổ phiếu không còn là “phong vũ biểu” của nền kinh tế

Từ đầu tháng 5 cho tới cuối tháng 6, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh tới hơn 10%. Thị trường mới chỉ phục hồi chút ít trong tuần đầu tháng 7.

Đã có những dự đoán u ám cho rằng thị trường yếu là dấu hiệu trực tiếp của đà phục hồi kinh tế kéo dài gần một năm nay đã ngừng lại.

Ám ảnh nợ nần của các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ khiến lo ngại biến thành sợ hãi.

Điệp khúc phổ biến nhất là chứng khoán đi xuống vì các hoạt động kinh tế toàn cầu đang chệch hướng.

Báo cáo ngày 12/07 của ngân hàng đầu tư Credit Suisse có nhan đầu “Thị trường có đang dự báo một đợt suy thoái?”

Sẽ không còn kích thích kinh tế ở Mỹ, Châu Âu thắt lưng buộc bụng và niềm tin tiêu dùng quá nhạy cảm, bán tháo cổ phiếu được cho là một phản ứng dễ hiểu đối với một nền kinh tế đang đi trên dây.

Đó là một lời giải thích tốt và hợp lý. Chỉ có điều nó không đúng sự thật.

Cổ phiếu không còn là tấm gương phản án nền kinh tế quốc gia nữa; nó cũng không còn là một cơ chế dự báo thần kỳ như người ta vẫn thường gọi.

Chúng chỉ là những phần quyền sở hữu nhỏ của một công ty nào đó, và ngày nay, hơn bao giờ hết ,những công ty đó lại ít có tương quan với nền kinh tế của bất kỳ một quốc gia cụ thể nào.

Kết quả là cổ phiếu không còn là “phong vũ biểu” của nền kinh tế Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc, và kết quả dự báo bất kỳ điều gì mà thị trường cung cấp đều cực kỳ không đáng tin, trừ giá trị nội tại của công ty mà nó đại diện và tâm lý thất thường của những người mua/bán cổ phiếu.

Luôn có một câu hỏi rằng cơ chế dự báo của thị trường tốt đến đâu. Vì thế mới có câu nói rằng cổ phiếu đã dự đoán chính xác 15 trên 9 cuộc khủng hoảng gần đây.

Có những lúc cổ phiếu lên hương trong khi kinh tế èo uột (ví dụ như năm 1975) hoặc cổ phiếu èo uột khi nền kinh tế lên hương (ví dụ như cổ phiếu Trung Quốc năm ngoái).

Cũng có những lúc giá cổ phiếu theo sát thậm chí là còn dự báo sức mạnh kinh tế của một quốc gia, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi các công ty niêm yết trên một sàn giao dịch cụ thể (như các công ty Mỹ trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York hay các công ty Anh ở London) và quốc gia nơi đặt sàn giao dịch ấy còn có mối tương quan chặt chẽ với nhau.

Trong nhiều năm, các công ty Mỹ chủ yếu kinh doanh trên đất Mỹ, vì thế có thể trông đợi rằng kết quả kinh doanh của họ sẽ phản ánh toàn bộ nền kinh tế.

Nhưng kể từ đầu thiên niên kỷ này, vốn và kinh doanh đã thực sự “toàn cầu hóa”.

Một nửa doanh số của các công ty thuộc chỉ số S&P500 giờ đến từ ngoài nước Mỹ, và nếu bỏ đi dịch vụ công, đường sắt, ngân hàng vùng và một số tương đối các nhà bán lẻ vốn bị hạn chế về mặt địa lý, thì tỷ lệ này còn cao hơn.

Các tập đoàn công nghệ như 3M, Hewlett-Packard và Intel chỉ có 1/3 doanh số là từ thị trường nội địa.

Điều đó có nghĩa rằng nền kinh tế Mỹ có hoàn toàn sụp đổ, họ vẫn có thể tìm đến các thị trường khác để duy trì tăng trường.

Đó cũng là điều tương tự đối vói một conglomerate Đức như Siemens, một tập đoàn Hà Lan như Philips hay một ông lớn Hàn Quốc như Samsung.

Bản thân doanh nghiệp cũng biết điều này, mặc dù CEO của họ thường có cảm tình với câu chuyện ngược lại hơn (điều này là có thể hiểu được vì phần lớn CEO đã ngoài 50 tuổi và từng sống ở cái thời mà điều gì tốt cho GM thì cũng tốt cho nước Mỹ).

Hãy nhìn vào bảng cân đối kế toán của các công ty đa quốc gia, dù lớn hay nhỏ, bạn sẽ thấy thành công của họ không tương đồng với nền kinh tế nước họ.

Trong hai năm trở lại đây, thất nghiệp ở Mỹ tăng mạnh còn GDP giảm còn doanh nghiệp vẫn in ra tiền. Phải nói là in hàng đống tiền.

Cổ phiếu của Tập đoàn xây dựng Shaw Group (chế tạo những thứ như nhà máy điện hạt nhân ở Saudi Arabia) được giao dịch ở mức giá 32 đôla/cổ phiếu trong khi tập đoàn này nắm tới 19 đôla tiền mặt mỗi cổ phiếu.

Điều đó cũng tương tự như bạn vừa có một ngôi nhà trị giá 500.000 đôla, vừa có 300.000 đôla nữa ở ngân hàng.

Phần lớn doanh nghiệp nào cũng vậy. Vị thế của họ gần như trái ngược với chính phủ và người tiêu dùng: tăng trường mạnh, nợ ít và không thiếu tiền mặt.

Họ đã tích trữ được cả một núi tiền, hiện đang tăng trưởng trung bình 20%/năm khi mà nền kinh tế Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản gần như đứng yên.

Chẳng ai biết được điều đó nếu cứ vấn vương với suy nghĩ thị trường là tấm gương phản ánh nền kinh tế.

Lúc nào Apple cho ra mắt sản phẩm mới và hàng triệu người cũng chen chúc nhau mua, tốt nhất nên dừng lại một phút mà suy nghĩ xem báo cáo việc làm chính phủ Mỹ phát hành mỗi tháng hay báo cáo của Steve Jobs về tình hình của Apple, cái nào phản ánh thế giới này tốt hơn.

Khi các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2010, khó có thể phủ nhận được sự thật rằng doanh nghiệp đang sống với một nền kinh tế tốt đẹp của riêng mình mà không vướng víu gì với nhiều quốc gia đang túng quẫn.

Con số ấy thật lạc quan (nếu bạn là nhà đầu tư) hoặc đáng lo ngại (nếu bạn là dân thường) hoặc cả hai.

Nhưng đã đến lúc từ bỏ niềm tin rằng khi nền kinh tế đi lên, doanh nghiệp và giá cổ phiếu của họ cũng vậy.

Cafeland.vn
Theo Time
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.