05/03/2023 3:36 PM
Phỏng vấn mới nhất của các chuyên gia được thực hiện bởi Bloomberg cho thấy khách sạn và hậu cần là hai loại hình bất động sản được giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng nhất tại châu Á.

John Saunders

Giám đốc điều hành Bộ phận bất động sản tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC) của BlackRock Inc.

Việc tăng lãi suất đột ngột từ mức gần bằng 0 trước đây đã khiến các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy quá cao vô cùng lo lắng, dẫn đến việc chuyển nhượng một số bất động sản từng được nắm giữ rất chặt trước đây. Trong bối cảnh này, lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hậu cần, đặc biệt là ở các khu vực nội đô nơi quỹ đất khan hiếm và nguồn cung bị hạn chế, đang có sức hấp dẫn lớn nhờ nhu cầu mạnh mẽ. Nguyên nhân ban đầu là do sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử trong khu vực, sau đó là để đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng đang bị tắc nghẽn trên thế giới. Lĩnh vực này, vì vậy, đang đạt tỷ lệ lấp đầy cao và giá thuê tăng mạnh trên mức lạm phát, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra.

Louise Kavanagh

Giám đốc Bộ phận đầu tư và bất động sản tại APAC của Nuveen

Chúng tôi cho rằng thị trường văn phòng Singapore sẽ mang lại cơ hội đầu tư lớn so với phần còn lại của bất động sản châu Á. Singapore tiếp tục là thị trường văn phòng được ưa chuộng của khu vực với tỷ lệ trống rất thấp. Nhu cầu thuê văn phòng rộng khắp từ nhiều ngành khác nhau giúp Singapore dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực này.

Quốc gia này trở thành điểm đến của các văn phòng gia đình và các công ty quản lý tài sản ở nước ngoài thành lập chi nhánh khu vực nhờ các dịch vụ thân thiện với doanh nghiệp, môi trường pháp lý thuận lợi và cam kết trung lập về địa chính trị. Nhu cầu về các dịch vụ pháp lý và tính chuyên nghiệp cũng ngày càng tăng vì Singapore là một trong những trung tâm giải quyết tranh chấp hàng đầu thế giới. Vị trí chiến lược cũng giúp Singapore trở thành cửa ngõ để các công ty tiến vào Đông Nam Á.

Goodwin Gaw

Chủ tịch Gaw Capital Partners

Nếu nhìn nhận một cách lạc quan thì khách sạn là loại hình bất động sản thú vị nhất, nhờ nhu cầu du lịch của tầng lớp trung lưu trong khu vực, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc. Châu Á cũng còn rất nhiều khoảng trống phát triển cho các khách sạn.

Lĩnh vực này đã chịu rất nhiều áp lực trong thời gian dài do Covid-19. Nhiều khách sạn thuộc sở hữu của các gia đình đang gặp khó khăn vì thiếu dòng tiền suốt vài năm qua, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn nguồn vốn.

Thêm vào đó, dịch vụ khách sạn có triển vọng lợi nhuận cao nhất trong thời gian ngắn và được dự báo sẽ phục hồi đáng kể khi các hạn chế do Covid-19 được dỡ bỏ hoàn toàn.

Chiang Linh Ng

CIO tại châu Á của Hines

Chúng tôi coi Úc là thị trường mục tiêu chính. Đây có lẽ là thị trường chứng kiến sự chênh lệch nhiều nhất về chi phí nợ [và đã] phản ứng nhanh nhất với thay đổi của môi trường kinh tế toàn cầu. Úc được coi là một thị trường có tính bền vững và cộng hưởng hơn nhiều nơi khác. Nếu có cơ hội, nhiều người muốn di cư đến đây. Do đó, mảng bất động sản xây để cho thuê vô cùng triển vọng tại Úc, nhất là trong bối cảnh khả năng chi trả cho nhà ở đang trở thành một vấn đề lớn trên toàn cầu.

Henry Chin

Trưởng bộ phận nghiên cứu tại APAC của CBRE Group Inc.

Tôi có một vài quan điểm trái ngược với nhiều chuyên gia.

Thứ nhất là trong vòng nửa đầu năm 2023, không nên mua bất động sản mà hãy cố gắng bán ra, nhất là các căn chung cư và bất động sản hậu cần. Nếu bạn đã rót vốn vào các lĩnh vực này từ hai, ba năm trước, thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu đã giảm đáng kể, vì vậy đã đến lúc thu lợi nhuận về.

Thứ hai, tôi muốn nói về Trung Quốc đại lục. Nhiều người cho rằng các nhà đầu tư toàn cầu không muốn rót vốn vào thị trường này. Nhưng theo tôi, Trung Quốc có [triển vọng] tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ, đặc biệt là Thượng Hải và Bắc Kinh. Các khu kinh doanh, các tòa nhà văn phòng, thậm chí cả bất động sản bán lẻ cũng có thể phục hồi mạnh mẽ do việc từ bỏ chính sách Zero-Covid của chính phủ.

Thứ ba là về bất động sản bán lẻ. Theo tôi, các nhà bán lẻ đang tiếp tục mở rộng tại APAC, vì vậy tất cả các bất động sản bán lẻ tại các thành phố cửa ngõ trong khu vực là một lựa chọn đầu tư tốt.

Pamela Ambler

Trưởng Bộ phận Tư vấnđầu tư tại APAC của Jones Lang LaSalle Inc.

Bất động sản hậu cần tại APAC là một lĩnh vực gần như không có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu sắp tới. Tỷ lệ trống tại các thành phố lớn trong khu vực như Sydney, Melbourne và Hồng Kông thường dưới 1%. Mặc dù chúng ta đã vượt qua giai đoạn Covid-19 hoành hành, nhưng hành vi của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử và mua hàng trực tuyến sẽ không biến mất. Nếu bạn so sánh châu Á và Bắc Mỹ, thì vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng cho thị trường thương mại điện tử.

Để hỗ trợ điều này, bạn cần có cơ sở hạ tầng tốt, vốn phụ thuộc rất nhiều vào bất động sản hậu cần. Hiện nay, các bất động sản hậu cần tại châu Á đang khá lạc hậu, đòi hỏi phải nâng cấp và tái phát triển, kéo theo nguồn cung trên thị trường sụt giảm đáng kể trong thời gian ngắn. Và đó là cơ hội lớn cho các bất động sản mới đưa vào hoạt động hoặc được trang bị hiện đại.

Lam Vy (BB)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.