Vỡ mộng
Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Bright City (thôn Lai Xá - Xã Kim Chung – Huyện Hoài Đức – Hà Nội) phản ánh đến CafeLand về những bất cập đang xảy ra tại dự án này, đặc biệt là nguy cơ trễ hẹn giao nhà so với cam kết.
Chị P.T.H, một khách hàng mua căn hộ Bright City cho biết, năm 2016 chị ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Bánh Kẹo Thăng Long và được cam kết sẽ giao nhà vào cuối năm 2017. Khách hàng mua nhà tại đây cũng được Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Tây HN tài trợ cho vay vốn theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án nhiều lần bị chậm tiến độ, chủ đầu tư chỉ thi công cầm chừng.
Đến ngày 20/12/2016 chủ đầu tư quyết định ra thông báo dừng thi công tòa A3, lý do được đưa ra là thiếu vốnvà yêu cầu các hộ mua nhà tại tòa A3 chuyển sang A11 và A2 để đảm bảo nguồn lực cho tiến độ của dự án.
Với mong muốn được nhận nhà sớm, chị H đồng ý với phương án trên và được chuyển từ căn hộ tầng 20 tòa A3 sang căn hộ thuộc tòa A1.1. Vào thời điểm này, tòa nhà A3 đã dừng hẳn thi công ở tầng thứ 17, 3 tòa còn lại gồm A11, A12, A2 mới hoàn thiện xong phần khung chưa có tường bao và tường ngăn.
Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2017. Thế nhưng, cam kết này có nguy cơ đổ vỡ bởi đến giữa tháng 9/2017 công trình vẫn đang ngổn ngang. Tòa A1.2, A2 mới được xây tường bao từ tầng 21 đến tầng 35, chưa xây tường ngăn và chát. Tòa A1.1 đang triển khai xây tường bao từ tầng 16 đến tầng 21. Ước tính, dự án chỉ mới đạt khoảng 60% khối lượng xây dựng.
Nhiều khách hàng quá sốt ruột nên đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên chủ đầu tư chỉ cho một vài công nhân đến thi công cho có lệ.
“Nếu tiến độ thi công tại dự án không được cải thiện và tiến hành đồng bộ thì hạn bàn giao nhà theo hợp đồng vào tháng 12/2017 là không khả thi và có thể kéo dài thêm 3-5 năm hoặc lâu hơn. Trong khi chúng tôi đã thanh toán 70% giá trị căn hộ và phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại do gói 30.000 tỷ đã kết thúc. Do đó, nếu không được giải quyết hàng trăm người mua nhà tại dự án sẽ rất khó khăn”, chị H nói.
CafeLand đã liên hệ với đại diện kinh doanh của chủ đầu tư, tuy nhiên người này từ chối trả lời vì đang bận họp. Một người phụ trách kỹ thuật dự án cho biết, dự án vẫn đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện, lý do khách hàng thấy ít công nhân là mọi người đang thi công trên các tầng cao.
Đặt câu hỏi liệu dự án sẽ hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ cam kết vào cuối năm 2017 cho khách hàng hay không? Người này cho biết, chỉ phụ trách về kỹ thuật, còn có đảm bảo tiến độ hay không thì phải xem xét cụ thể trong hợp đồng với khách hàng như thế nào mới biết được.
Bản lý lịch truân chuyên của Bright City
Thực tế dự án Bright City không phải là cái tên mới mẻ. Dự án này thậm chí rất nổi tiếng bởi quá khứ bởi điệp khúc “trùm mền, đắp chiếu” triền miên.
Tiền thân của Bright City là một dự án nhà ở thương mại tọa lạc trên khu đất có diện tích 15493m2, bao gồm 4 tòa nhà chiều cao 35 tầng. Chức năng dịch vụ, thương mại, siêu thị từ tầng 1 đến tầng 6, căn hộ hiện đại để ở được bố trí từ tầng 7 trở lên.
Theo giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư, dự án có tổng số vốn lên tới 1800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự kiến khoảng 1.360 căn hộ theo tiêu chuẩn thiết kế sẽ được cung cấp cho thị trường nhà ở Hà Nội.
Với những lời quảng cáo có cánh và viễn cảnh sáng sủa được chủ đâu tư vẽ ra, nhiều khách hàng đã quyết định xuống tiền mua căn hộ tại dự án này. Tuy nhiên, sau đó dự án chỉ triển khai cầm chừng, thậm chí nhiều năm chỉ dậm chân tại chỗ.
Để giải cứu dự án, năm 2014 chủ đầu tư đã xin chuyển dự án này sang dự án nhà ở xã hội để được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Ngày 14/2/2014, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định đồng ý cho phép dự án chuyển từ thương mại sang làm nhà ở xã hội. Quy mô dự án gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng (A11, A12, A2, A3). Tống số căn hộ là 1.496 căn, sau khi đi vào hoạt động cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, hành động này đã ngay lập tức gặp phải sự phản đối của nhiều khách hàng đã đóng tiền mua nhà trước đó. Thậm chí, khách hàng cho rằng chủ đầu tư đã tự ý xin chuyển đổi dự án sang làm nhà ở xã hội mà không hỏi ý kiến của họ.
Một khách cho biết, anh quyết định mua khi dự án là nhà ở thương mại chứ không phải nhà ở xã hội. Vì khi chuyển đổi, căn hộ dự án sẽ bị giới hạn về diện tích, các tiện ích như cam kết trước đây cũng sẽ bị thay đổi… do đó, anh quyết liệt phản đối, yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo đúng quyền lợi cho người mua.
Tuy nhiên, thời điểm đó, phía chủ đầu tư giải thích, mục đích của việc chuyển đổi này là để tiếp cận với nguồn vuốn tín dụng nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho dự án được triển khai nhanh hơn. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, dự có nguy cơ tiếp tục lâm vào ngõ cụt.
CafeLand sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo Luật kinh doanh bất động sản trong trường hợp chủ đầu tư chậm bàn giao nhà thì phải bồi thường theo thỏa thuận và phải chịu mức lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng, mức lãi suất này không được vượt quá mức lãi suất mà pháp luật quy định. Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng hợp đồng thì người mua có thể khởi kiện ra tòa theo luật tố tụng dân sự hoặc nếu trong hợp đồng mua bán nhà có điều khoản về việc giao nhà chậm là căn cứ để bên mua hủy hợp đồng thì có thể hủy hợp đồng và yêu cầu bên phía chủ đầu tư bồi thường. |
-
Thu hồi 1,5ha đất tại khu đô thị đắt đỏ bậc nhất Thủ đô
UBND TP. Hà Nội mới đây đã có động thái thu hồi hơn 1,5ha đất tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (tên thương mại Starlake Tây Hồ Tây).
-
Ngoài 32 tuyến đường mới, một quận Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho loạt dự án hàng trăm hecta
Trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 vừa được phê duyệt, quận này có nhiều dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch với quy mô hàng trăm hecta. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật một khu đô thị học hơn 23ha....
-
SK Group đăng ký bán gần 51 triệu cổ phiếu Vingroup
Tập đoàn Hàn Quốc đăng ký bán hơn 50 triệu cổ phiếu của Vingroup, không còn là cổ đông lớn khi chỉ nắm 4,72% vốn.