Quan chức ngành giao thông “than” thiếu tiền, nhưng GS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình Bộ Xây dựng, cho rằng “đầu tư quá dàn trải nên việc đầu tư chậm và kém hiệu quả".

Lý do khiến đầu tư chậm và kém hiệu quả

“Mỗi năm kinh phí ngành giao thông được duyệt chỉ khoảng 23% kế hoạch. Bộ Giao thông vận tải từ 2016-2020 không được thực hiện dự án nào mới, chỉ trả nợ xây dựng cơ bản, và các dự án đã hoàn thành”.

Đây là một trong những lý do mà ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho rằng “khiến cho giao thông vận tải chậm phát triển”.

Bộ Giao thông vận tải muốn làm đường sắt tốc độ cao Bắc Nam nhưng chưa có tiền.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ này đang triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam 55.000 tỷ đồng, trong đó huy động 51.000 tỷ đồng từ nhà đầu tư và cả ngân hàng. 3 dự án đầu tư bằng ngân sách, 8 dự án là BOT (nhà nước cổ phần và doanh nghiệp góp cổ phần). Nhà nước hỗ trợ 38-40% gồm giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư cảm thấy bớt rủi ro.

“Bộ đang phấn đấu quý III năm 2019 khởi công tất cả 8 dự án đầu tư BOT. Quý II 2019 khởi công 3 dự án ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Nhật nói tại tọa đàm ngày 13/11, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.

Đường bộ BOT đã trải qua thời “trăm hoa đua nở”, nay bước vào thoái trào. Nhắc đến dự án BOT, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, tỏ ra cảm thông với các nhà đầu tư.

Nhận xét “10-20 năm vừa qua, nhà đầu tư BOT như con thiêu thân", ông Đinh Văn Nhã cho rằng giá dịch vụ là một trong những điểm hạn chế.

“Về giá cung cấp dịch vụ hạ tầng, nhận thức xã hội coi đó là khoản phí đường bộ. Tôi rất thông cảm khi Bộ Giao thông đã chuyển từ trạm thu phí sang thu giá. Xã hội cần phải chấp nhận trả phí cao hơn khi đường bộ tốt hơn. Sẽ là rủi ro thường trực khi cứ dựng trạm thu phí thì người dân áp lực và gây ra áp lực xã hội. Đầu tư quan trọng giá hoàn vốn, nếu không chấp nhận giá dịch vụ cao hơn ai sẽ dám đầu tư? Trong khi lãi vay trả thôi đã khó”, ông Nhã chia sẻ.

Quan chức ngành giao thông “than” thiếu tiền, nhưng GS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), cho rằng: “Đầu tư quá dàn trải, cho nên việc đầu tư chậm và kém hiệu quả".

Nhắc đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa thông xe nhưng đã hỏng, ông Trần Chủng nhấn mạnh: Đối với một sai phạm về mặt kỹ thuật, phải tìm nguyên nhân của lỗi kỹ thuật ấy, từ đó quy ra trách nhiệm. Chúng ta cần chữa theo căn nguyên, không nên chữa theo triệu chứng.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa thông xe nhưng đã hỏng

20 năm trước, đầu tư công Hàn Quốc không khác gì Việt Nam bây giờ

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá: Việt Nam nên học hỏi cách làm của Hàn Quốc. Toàn bộ các dự án công tư của họ đều được nghiên cứu bài bản, sau đó nghiên cứu độc lập, đánh giá thẩm định tập trung. Các dự án được phân loại, cái nào hiệu quả thì mời gọi hợp tác công - tư PPP, "xương xẩu" thì Nhà nước làm.

“Hành lang pháp lý của họ cũng rất rõ ràng và bảo vệ nhà đầu tư. Luật về đối tác công tư của Hàn Quốc nêu rõ, nếu có quy định xung khắc với luật khác thì ưu tiên áp dụng luật PPP. 20 năm trước, đầu tư công Hàn Quốc không khác gì Việt Nam bây giờ, tuy nhiên hiện Hàn Quốc là một trong những nước có cơ sở hạ tầng tốt bậc nhất châu Á”, ông Nguyễn Đăng Trương dẫn chứng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chia sẻ: Để đánh giá về đầu tư phát triển giao thông vận tải tại Quốc hội, đại biểu Trần Duy Lịch có dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản rằng, nếu có tiền cần phải làm gì đầu tiên, đó là giao thông; và nếu có tiền nữa thì vẫn là làm giao thông. Điều này cho thấy, trên thế giới, giao thông là quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế.

“Để kinh tế phát triển trước hết cần có giao thông, không chỉ phát triển kinh tế mà còn đảm bảo lợi ích cho người dân. Đối với ngành giao thông, khung pháp lý và chính sách có nhiều ý nghĩa nhưng đầu tiên là niềm tin. Không có khung pháp lý thì người ta không tin và không đầu tư. Chất lượng đạo luật rất quan trọng và quyết định đến chất lượng giao thông”, ông Nguyễn Văn Phúc góp ý.

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, đánh giá: Chúng ta có không ít chủ trương và kế hoạch đầu tư từng thời kỳ vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, nhưng tổng thể vẫn thiếu một tầm nhìn dài hạn. Mà, “bất kì giải pháp nào của một quốc gia cũng phải có tầm nhìn”, GS Nguyễn Mại khẳng định.

Hà Duy (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.