16/02/2025 4:42 PM
Đại biểu Quốc hội cho rằng để đạt mục tiêu GDP vượt 8%, kênh tín dụng ngân hàng cần được mở rộng hơn nữa. Nếu chỉ tăng trưởng tín dụng 15-16% thì khó đạt mục tiêu.

Chiều 15/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Tại phiên thảo luận, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng để đạt tăng trưởng cao năm nay cần ưu tiên các giải pháp tức thì, tác động ngay tới nền kinh tế.

Kênh tín dụng ngân hàng cần tăng trưởng mạnh để đạt mục tiêu vượt 8%- Ảnh 1.

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh.

“Muốn tăng ở mức cao cần nguồn lực, tức phải có đầu tư và tiền. Chính phủ đặt kế hoạch GDP tăng trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng để đạt mục tiêu này. Nếu tăng trưởng tín dụng 15-16%, sẽ khó phát triển. Tín dụng cần tăng 18-19% mới có nguồn lực cho đầu tư”, ông An phát biểu. Cùng với đó, cần phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng, năm 2025, tín dụng cần tăng trưởng ít nhất 17-18% để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy vậy, việc tăng cung tiền ra nền kinh tế có thể ảnh hưởng, làm tăng lạm phát, do đó các chính sách điều hành phải nhịp nhàng.

Để đạt mục tiêu, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cần tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, các định hướng cho công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ những điểm nghẽn, để thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà trở thành “đột phá của đột phá”, tạo không gian phát triển mới.

Ông Mai cũng kiến nghị cần tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý, đầu tư công, bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, sự tăng trưởng của từng địa phương rất quan trọng, nhưng không phải tỉnh nào cũng phát triển giống nhau, mà mỗi địa phương, mỗi khu vực có tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng.

Do đó, phải làm sao để đánh giá đúng, và tạo cơ chế thuận lợi nhằm phát huy được sự vào cuộc thực sự của các địa phương, từ đó, tạo được sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của đất nước. Một số đại biểu cũng đề nghị, trong đề án cũng như Nghị quyết của Quốc hội cần xác định rõ vai trò, vị trí, cơ hội, trách nhiệm của các địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tốt, vươn lên, nhất là trong đầu tư công và sự bắt nhịp, tham gia các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến…

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được các cấp triển khai thực hiện quyết liệt, khẩn trương trong thời gian qua đang tạo ra những hiệu ứng tích cực, sự tán đồng của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, một vấn đề cần phải được quan tâm trong việc tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là việc chảy máu chất xám, tình trạng “người tài xin nghỉ, người dở ở lại” dẫn đến bộ máy “tuy có gọn nhưng không tinh”.

Đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp để giữ chân người tài, người có năng lực thật sự để bảo đảm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần cơ chế để kinh tế tư nhân phát triển đủ mạnh, là động lực cho tăng trưởng kinh tế; Chính phủ ưu tiên giải pháp nhằm tận dụng sự dịch chuyển dòng đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... tạo lực cho khu vực tư nhân phát triển.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để xin ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, sẽ có những cơ chế cho phát triển hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu GDP 2025 trên 8%, Chính phủ đặt ra nguyên tắc “tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, không đẩy lạm phát lên cao và đảm bảo môi trường”.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.